Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Xóa nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS Như Thanh

Quỳnh Trâm - 10:15, 15/12/2022

Đảng bộ và chính quyền huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đang nỗ lực và quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, phấn đấu giảm nghèo ở các vùng DTTS, đưa Như Thanh sớm trở thành huyện nông thôn mới.


Nhiều mô hình phát triển sản xuất của các hộ dân đã mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhiều mô hình phát triển sản xuất của các hộ dân đã mang lại hiệu quả kinh tế cao

Là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, Như Thanh có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Với nỗ lực không ngừng của Đảng ủy và chính quyền địa phương, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng DTTS, những năm qua, diện mạo các thôn bản của huyện thay đổi rõ rệt.

Theo đó, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển tương đối toàn diện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 16% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 43 triệu đồng.

Các mô hình phát triển kinh tế có bước phát triển, trở thành điểm sáng của tỉnh như áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cấy hàng rộng, hàng hẹp và bón phân viên dúi sâu cho cây lúa trong sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy năng suất lúa tăng cao (năm 1997 đạt 31,3 tạ/ha đến năm 2022 đạt trên 57 tạ/ha); kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh (cây keo, cây lim, cây mía) và trở thành ngành sản xuất chính, là nguồn thu nhập quan trọng của người dân.

 Đặc biệt, trong năm 2021 và gần 11 tháng năm 2022, huyện Như Thanh đã tích tụ, tập trung được 1.000 ha đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi linh hoạt trên 100 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây trồng khác; đưa vào trồng mới gần 16 ha cây gai xanh...

Huyện Như Thanh xác định, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, là bước quan trọng nhằm chuyển đổi kinh tế của địa phương, qua đó tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân. Thời gian qua, huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư các công trình, dự án về thủy lợi, giao thông trọng điểm của huyện, mà trọng tâm là Dự án phát triển Khu Du lịch sinh thái cao cấp Bến En với tổng mức đầu tư 4.960 tỷ đồng; Dự án đường Bến En đi trung tâm thị trấn Bến Sung, với tổng mức đầu tư 358 tỷ đồng; Dự án khu đô thị mới Hải Vân với tổng mức đầu tư 940 tỷ đồng... Công tác thành lập doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp luôn được huyện quan tâm; đến nay trên địa bàn huyện có trên 200 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được triển khai đồng bộ, quyết liệt và nhận được sự đồng tình, vào cuộc của nhân dân, đã làm thay đổi diện mạo làng quê, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông thôn. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, huyện Như Thanh đã đầu tư làm mới hơn 30km đường cấp phối, trên 150km đường bê tông, gần 15km đường nhựa; nâng cấp, sửa chữa 12 hồ đập, kiên cố hóa gần 100km kênh mương nội đồng. Huyện liên tục dẫn đầu 11 huyện miền núi trong XDNTM, đến nay đã có 9 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt xã NTM nâng cao.

Diện mạo mới của huyện Như Thanh sau nhiều năm thực hiện xây dựng NTM
Diện mạo mới của huyện Như Thanh sau nhiều năm thực hiện xây dựng NTM

Theo ông Đinh Xuân Hướng, Bí thư Huyện ủy Như Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện cho biết: Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, Chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về xây dựng NTM, Như Thanh đã triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ tại các xã, làng, bản, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch NTM, quy hoạch sử dụng đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, các chính sách về an sinh xã hội, huy động đóng góp đều được công khai để nhân dân được biết, được bàn, được quyết định, được giám sát. 

Theo đó, việc huy động người dân đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân, nên được nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng.Thông qua xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm qua từng năm, đến nay chỉ còn 6,8% hộ nghèo.

Theo ông Đinh Xuân Hướng, Bí Thư Huyện ủy, đạt được kết quả trên, trước hết là sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của địa phương một cách sát, đúng; nhất là trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc trong 5 năm qua. Từ hoạt động tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách, đồng bào DTTS đã có nhận thức sâu sắc hơn về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tình cảm và niềm tin của đồng bào DTTS đối với cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng. 

"Đồng bào đón nhận chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước bằng sự đồng thuận, từ đó cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, tích cực chủ động hơn trong xây dựng cuộc sống và có nhiều đóng góp hơn cho cộng đồng”, ông Đinh Xuân Hướng khẳng định.


Tin cùng chuyên mục
Xây dựng Nông thôn mới ở các huyện vùng cao Nghệ An - Khó khăn trăm bề: Nhìn từ huyện “trắng” xã NTM (Bài 1)

Xây dựng Nông thôn mới ở các huyện vùng cao Nghệ An - Khó khăn trăm bề: Nhìn từ huyện “trắng” xã NTM (Bài 1)

LTS: Ở những bản làng vùng cao đã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới sẽ là bộ mặt khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên… Nhưng, mảng màu sáng ấy lại như những nét chấm nhỏ trên bản đồ nông thôn mới các huyện miền núi xứ Nghệ. Bởi còn quá nhiều vùng đất mà sự đầu tư, hỗ trợ từ chương trình xây dựng Nông thôn mới chưa vươn tới và phủ hết…