Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Xóa nhà tạm ở Phong Thổ (Lai Châu): Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ

PV - 10:23, 24/12/2018

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu còn nhiều hộ dân sống trong căn nhà tạm, dột nát. Thực tế, nhu cầu vay vốn để xóa nhà tạm của người dân là rất lớn. Thế nhưng, có một nghịch lý là vốn vay sẵn có nhưng huyện rất khó giải ngân.

Xóa nhà tạm ở Phong Thổ Để làm được căn nhà này, gia đình bà Nguyễn Thị Bưu ở bản Vàng Pheo, xã Mường So phải vay mượn thêm gần 60 triệu đồng.

Xây được nhà thì thiếu công trình phụ

Để tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống ngày 10/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo. Tuy nhiên, quyết định này gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế.

Năm 2017, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bưu ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ được hỗ trợ vốn vay để xóa nhà tạm theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Bà Bưu cho biết: Sau khi làm hồ sơ vay vốn xây dựng nhà, gia đình bà được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 25 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền không thể đủ xây dựng căn nhà tử tế nên gia đình đã vay mượn khắp nơi được 60 triệu đồng. “Nhà đã xây xong nhưng gia đình đang rất lo ngại vì số tiền nợ không thể vay lâu dài. Nếu có người đến hỏi nợ, chắc chúng tôi phải đi vay lãi ngoài để trả thôi”, bà Bưu lo lắng nói.

Cách nhà bà Bưu không xa, anh Vàng Văn Vĩnh sau khi được vay vốn hỗ trợ làm nhà, anh cũng đã vay mượn thêm được tổng cộng 50 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình anh xây xong căn nhà chính thì hết tiền.

“Khi xây nhà, gia đình không dự toán được là hết bao nhiêu tiền. Vì thế khi xong nhà chính thì tiền hết. Không có công trình phụ rất bất cập trong sinh hoạt, nhưng biết làm thế nào được đành chịu đựng thôi”, anh Vĩnh cho biết.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường So cho biết: Thực tế, sau một thời gian triển khai xóa nhà tạm, trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, một số hộ trên địa bàn xã vay tiền làm nhà qua nghiệm thu, kiểm tra của các ngành cho thấy, nhà đã đáp ứng yêu cầu nhưng hầu như các gia đình không có công trình phụ. Bên cạnh đó, sau khi làm nhà xong, các hộ không còn tiền để sản xuất, phát triển kinh tế. “Hiện tượng này khiến cho nhiều hộ dù ở nhà tạm cũng không dám vay tiền làm nhà; còn những hộ đã làm nhà thì có nguy cơ tái nghèo rất cao”, ông Tiến cho hay.

Vốn có nhưng khó giải ngân

Ông Lê Văn Bắc, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Phong Thổ cho biết: Theo kế hoạch giao từ năm 2016 đến năm 2018, huyện Phong Thổ sẽ phải triển khai cho vay 311 hộ, với tổng nguồn vốn 6,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện mới có 6/63 hộ nghèo vay vốn. Đến thời điểm này, toàn huyện Phong Thổ mới chỉ có trên 70 hộ vay, với dư nợ đạt gần 2 tỷ đồng. Con số này chưa đạt 10% chỉ tiêu được giao. Mặc dù, nguồn vốn để cho các hộ nghèo vay làm nhà luôn có sẵn; việc giải ngân và thực hiện thủ tục vay luôn được phía Ngân hàng Chính sách, cùng chính quyền các xã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, nhưng hiện tại số hộ vay vẫn đạt rất thấp.

Có thể nói, các hộ nghèo chưa thực sự mặn mà với nguồn vốn vay ưu đãi này. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là, định mức vay 25 triệu đồng/hộ thấp so với giá cả thị trường hiện nay. Hơn nữa, việc huy động thêm các nguồn lực khác đối với những hộ nghèo rất khó khăn. “Chúng tôi đề xuất với Chính phủ xem xét nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay làm nhà ở theo Quyết định 33, có thể lên mới 50 triệu đồng/nhà”, ông Bắc cho biết.

Bên cạnh đó, để việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo được thuận lợi, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Phong Thổ cần nỗ lực hơn nữa trong việc vận động các tổ chức, nhân dân chung tay giúp đỡ về vật chất, ngày công cho các hộ nghèo trong quá trình làm nhà ở. Có như vậy, thì việc triển khai Quyết định 33 mới thực sự thành công.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.