Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam đang gia tăng

Trương Vui - 13:10, 23/05/2023

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) cho biết, theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam vẫn là 1 trong 15 quốc gia sử dụng thuốc gia cao nhất thế giới. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao. Tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là học sinh ở các thành phố lớn còn cao.

Theo ông Hải, việc sử dụng thuốc lá đã gây ra nhiều hệ quả nặng nề cho sức khỏe, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mãn tính, tỷ lệ tử vong cũng như gánh nặng về tài chính cho gia đình và toàn xã hội. Do đó thời gian qua, Bộ TT&TT luôn quan tâm thực hiện công tác truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới, mục tiêu và các chính sách ưu tiên phòng chống tác hại của thuốc lá, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với những tổn thất về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội thảo

Một số thực trạng tại Việt Nam

Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%.

Với các kết quả như trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, với 15,4 triệu người hút thuốc (Bộ Y tế, 2020), Việt Nam nằm trong số quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Giai đoạn 2010 - 2020 tỷ lệ hút thuốc người trưởng thành giảm chậm, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động vẫn ở mức cao, chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.

Đáng lo ngại hơn, theo nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu về Sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi của WHO, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2020. Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) .

Đẩy mạnh phòng chống tác hại của thuốc lá

Tại Hội thảo, PGs.Ts. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế nhấn mạnh, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khỏe, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. Do đó, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế.

Theo PGs.Ts. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân
Theo PGs.Ts. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân

Theo Ths.Bs. Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HeathBridge Việt Nam, việc sử dụng thuốc lá sớm ở trẻ em và thanh thiếu niên gây nghiện sớm, khó cai hơn, ảnh hưởng sớm đến sức khỏe, sự phát triển não bộ, khả năng học tập, khả năng lao động, chất lượng giống nòi.

Để giảm thiểu tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, đặc biệt là ở thanh thiếu niên, bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đề xuất ủng hộ tăng thuế thuốc lá, tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia, các chương trình y tế nâng cao sức khỏe cộng đồng và hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế trong toàn quốc. Cùng với đó cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá…

Theo Ths.Bs. Nguyễn Thị An, cần tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu. Đồng thời cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để hạn chế sự gia tăng sức mua thuốc lá, đặc biệt là sự tiếp cận của thanh thiếu niên với thuốc lá giá rẻ. Ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới; truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong bảo vệ trẻ em…

Hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2023

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023 được WHO phát động với chủ để “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Nhiều ý kiến tham luận được đưa ra tại Hội thảo
Nhiều ý kiến tham luận được đưa ra tại Hội thảo

Vừa qua, Bộ Y tế ban hành tại Công văn số 2723/BYT-KCB gửi các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và Công văn số 2725/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá.

Cùng với đó, thời gian tới sẽ diễn ra Tuần lễ quốc gia không thuốc lá với một số hoạt động thiết thực như: Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá diễn ra vào ngày 27/5 tại Học viện Thanh thiếu niên; Giải chạy “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” tại Công viên Thống nhất sáng 28/5; Giao lưu/Tọa đàm sinh viên nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử chiều 31/5, tại Đại học Công nghiệp; Tọa đàm tuyên truyền về “Tác hại của thuốc lá điện tử với thanh niên” (tuần 1 tháng 6)...

Tin cùng chuyên mục