Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Xứ Tuyên trước ngày hội lớn

PV - 09:31, 09/09/2019

Lễ hội Thành Tuyên-Lễ hội Trung thu hằng năm luôn là “Ngày hội lớn”, là món ăn tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Những năm gần đây, Lễ hội Thành Tuyên còn là dịp để Tuyên Quang quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Tuyên Quang đổi mới. Tuyên Quang đổi mới.

Những ngày này, không khí ngày hội đã rộn ràng trên khắp các đường phố Tuyên Quang. Vào các buổi tối, các trục đường chính của TP. Tuyên Quang và tại trung tâm các huyện đã rộn ràng những mô hình đèn Trung thu với đủ màu sắc, hình dáng. Dưới bàn tay tài hoa và óc sáng tạo độc đáo của Nhân dân, những câu chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn, danh lam thắng cảnh… được người dân Tuyên Quang chuyển hóa thành những mô hình đèn lồng khổng lồ, lung linh, huyền ảo.

Điều dễ nhận thấy là trước ngày hội lớn này, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Tuyên Quang đều được đặt kín chỗ, bởi trong những ngày chính hội, lượng du khách trong nước và quốc tế đổ về Tuyên Quang tăng đột biến.

“Chúng tôi rất tự hào về Lễ hội Thành Tuyên với những nét riêng mà chỉ quê tôi mới có”, bà Trần Thị Nhàn, phường Minh Xuân, TP. Tuyên Quang chia sẻ.

Ngày hội Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội (tháng 8/2019) là dịp để người dân giới thiệu sản phẩm địa phương. Ngày hội Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội (tháng 8/2019) là dịp để người dân giới thiệu sản phẩm địa phương.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Lễ hội năm 2019 có nhiều nét mới. Đầu tiên là việc các tổ dân phố đăng ký, làm mô hình đèn Trung thu từ sớm với ý tưởng độc đáo, chất lượng nghệ thuật được đề cao. Đã có khoảng 60 mô hình đèn Trung thu được đăng ký làm mới.

Đặc biệt, trong Lễ hội Thành Tuyên năm 2019, lần đầu tiên Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức tại Tuyên Quang. Đó là điểm mới, điểm nhấn rất ý nghĩa.

Tới thời điểm này, đã có 10 tỉnh, thành phố được mời tham gia trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Chầu Văn (Nam Định), Hát Trống Quân (Hưng Yên), Múa Bồng (Hà Nội), Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Múa trống Chhay-dăm (Tây Ninh), Ca Huế (Thừa Thiên-Huế), Xòe Thái (Sơn La), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đăk Nông) và Tuyên Quang với Di sản Then của đồng bào Tày, Lễ cấp sắc của đồng bào Dao…

Trong khuôn khổ Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Tuyên Quang sẽ thiết kế các gian hàng ở một số tuyến đường để trưng bày ẩm thực, sản phẩm du lịch; giới thiệu, bán các đặc sản tiêu biểu của các địa phương. Sân Trung tâm Văn hóa, Thể thao-Thanh thiếu nhi tỉnh sẽ là nơi diễn ra Lễ hội Bia Hà Nội. Tại đây cũng có 30 gian hàng với các loại ẩm thực, đặc sản xứ Tuyên sẽ được giới thiệu tới du khách…

Không khí rộn ràng rước đèn Trung thu khổng lồ tại Tuyên Quang trước ngày hội chính. Không khí rộn ràng rước đèn Trung thu khổng lồ tại Tuyên Quang trước ngày hội chính.

Lễ hội Thành Tuyên lần đầu được tổ chức vào năm 2004. Qua nhiều lần tổ chức, vượt lên ý nghĩa của một lễ hội văn hoá đặc sắc, Lễ hội Thành Tuyên cũng là dịp để giới thiệu với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về mảnh đất, con người và các giá trị lịch sử, văn hoá của Tuyên Quang, đặc biệt quê hương cách mạng-Thủ đô kháng chiến đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 chắc chắn sẽ có nhiều điểm nhấn độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với xứ Tuyên.

Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 12-14/9 (tức 14-16/8 âm lịch). Trước đó, để tăng cường quảng bá Lễ hội Thành Tuyên, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức “Ngày văn hoá Tuyên Quang” tại Hà Nội vào tối 30/8.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).