Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xuân ấm áp trên vùng rốn bão

PV - 15:57, 08/02/2018

Vùng rốn bão xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk, đã khởi sắc. Những cánh đồng, vườn rau xanh mơn mởn, những ngôi nhà được xây mới hoặc sửa sang lại thêm vững chãi. Bà con đang rộn ràng đón chào một mùa xuân ấm tình yêu thương.

Cận Tết, theo con đường đất đỏ phẳng lỳ, chúng tôi đến vùng căn cứ cách mạng xã Yang Mao, huyện Krông Bông (Đăk Lăk). Dọc hai bên đường, vết tích của cơn bão số 12 xảy ra đầu tháng 11/2017 đã nhạt dần; thế chỗ là màu xanh của những vườn rau, ruộng lúa, nương ngô. Dưới làn sương trắng mờ, lối nhỏ vào các buôn xã Yang Mao thấp thoáng mái nhà ngói đỏ tươi, mái tôn kiên cố vững chắc. Dù chưa hết khó khăn nhưng người dân nơi đây cảm thấy ấm lòng và đầy hy vọng đón Xuân mới.

Các thanh niên thuộc mạng lưới tình nguyện Tây Nguyên lợp lại mái tôn cho bà con xã Yang Mao. Các thanh niên thuộc mạng lưới tình nguyện Tây Nguyên lợp lại mái tôn cho bà con xã Yang Mao.

 

Trong ngôi nhà sàn được lực lượng quân đội dựng lại sau bão, gia đình chị H’Thu Niê, ở buôn Tar, xã Yang Mao, đang quây quần bên bếp lửa. Chia sẻ với chúng tôi, chị vui vẻ bằng vốn từ tiếng Việt không quá nhiều của mình: “Bão đi qua, bà con trắng tay. Nhưng trong khó khăn, gia đình được các chú bộ đội dựng cho ngôi nhà ở, được cấp trên hỗ trợ 3 con bò giống làm kinh tế. Cảm động lắm”.

Còn gia đình bà H’Xuôn Niê ở buôn M’nang Dơng, xã Yang Mao, sau cơn bão nhà bị tốc mái, không có lương thực để ăn. Lúc khó khăn nhất, bà nhận được sự quan tâm, đùm bọc của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, các bạn thanh niên tình nguyện.

“Sau bão, không còn lúa gạo, nhà bị tốc mái. Được các bạn thanh niên mang đến tặng 2 thùng mì tôm, đưa tôn đến lợp mái nhà. Bây giờ nhà đẹp và chắc chắn lắm. Cảm ơn các cô cậu thanh niên rất nhiều”, bà H’Xuôn Niê xúc động nói.

Xã Yang Mao chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông, cuộc sống bà con khó khăn, đói nghèo. Trận bão vừa đi qua vẫn còn là cơn ác mộng ám ảnh mọi người. Nhưng trong mất mát đau thương, nhân dân và đồng bào cả nước đều hướng với tấm lòng sẻ chia.

Thời gian qua, đã có nhiều ngôi nhà của người dân xã Yang Mao được sửa chữa và dựng lại từ sự chung tay của các lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên, sự sẻ chia của những tấm lòng thiện nguyện và nỗ lực của người dân. Theo thống kê, xã Yang Mao đã nhận được sự hỗ trợ về tiền, nhu yếu phẩm từ các tổ chức, cá nhân trị giá hơn 2 tỷ đồng, 27,6 tấn gạo được cấp phát. Hỗ trợ kinh phí làm mới 9 ngôi nhà. Huyện ủy Krông Bông cũng đã trích hỗ trợ mỗi gia đình có nhà bị sập 1 triệu đồng từ chương trình “Tiết kiệm làm theo lời Bác”…

Sau bão, 40 bạn tình nguyện viên thuộc mạng lưới tình nguyện Tây Nguyên đã về xã Yang Mao để lợp lại mái nhà, và dựng lại nhà đã sụp đổ cho bà con nơi đây. Theo anh Trần Đức Hậu, Bí thư đoàn thị trấn Krông Pắk, Phó ban mạng lưới tình nguyện Tây Nguyên, sau 2 đợt quyên góp, mạng lưới đã đưa tới xã Yang mao 2.000m2 tôn lợp, 300kg đinh các loại, nhóm đã lợp lại được 30 ngôi nhà cho bà con sau bão.

Ông Trần Mậu Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao cho biết: “Hiện nay vẫn còn hàng chục gia đình chưa có điều kiện dựng lại nhà để ở; nhiều hộ thiếu giống, thiếu phân đầu tư sản xuất vụ đông xuân. Địa phương đã tổng hợp số liệu thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra trên địa bàn xã và gửi lên cấp trên để hỗ trợ cho bà con”.

Mùa xuân mang đến cho vùng rốn bão một sức sống mới, sức sống của sự đoàn kết làm hồi sinh một miền quê nghèo. Từ sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, sức sống tiềm tàng của con người xã Yang Mao đã thực sự hồi sinh. Thiên nhiên dù khắc nghiệt đến đâu, có dữ dằn thế nào cũng không thể nhấn chìm được ý chí và sức mạnh của họ. Sau bão, với nghị lực và tinh thần người dân, xã nghèo Yang Mao đang hồi sinh.

ĐỖ QUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Ký ức hào hùng về "những ngày không quên"

Ký ức hào hùng về "những ngày không quên"

70 năm trôi qua nhưng những ký ức về “một thời hoa lửa” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí các cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây chính là niềm tự hào, để giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục cống hiến.