Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới: Người thầy giáo mang quân hàm xanh (Bài cuối)

Lý Thu - Mai Phương - 11:02, 20/03/2023

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã có những tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu, đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống một cách bình dị mà hiệu quả nhất, tiếp tục thắp sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo mang quân hàm xanh Lò Văn Phánh tại bản Pá Khoang. (Ảnh: đơn vị cung cấp)
Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo mang quân hàm xanh Lò Văn Phánh tại bản Pá Khoang. (Ảnh: đơn vị cung cấp)

Còn 1 ngày mang quân hàm, vẫn còn trách nhiệm

Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lò Văn Phánh (nhân viên Đội Vận động quần chúng, thuộc Tổ công tác Pá Khoang, Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP tỉnh Sơn La) sẽ nghỉ hưu. Nhưng với người lính Biên phòng này, “còn 1 ngày vẫn còn phải có trách nhiệm với đơn vị, với bà con”.

Với đặc thù công việc của người cán bộ làm công tác dân vận, anh thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình, tuyên truyền vận động Nhân dân, nói sao cho dân nghe, dân hiểu, dân ủng hộ những việc BĐBP làm. Trên địa bàn chủ yếu là dân tộc Mông, Khơ Mú, anh Phánh đã tự học tiếng của đồng bào, tìm hiểu phong tục tập quán, thực hiện 3 bám 4 cùng với Nhân dân. Thấy người cán bộ Biên phòng chịu khó, có lối sống gần gũi và luôn hết mình vì Nhân dân, nên người dân các bản càng ngày càng thấy thương và dần dần coi anh như người thân.

“Đến với bà con, chúng tôi phải cầm tay chỉ việc, từ những cái nhỏ nhất như làm chuồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm tránh bị thú rừng ăn thịt, làm nhà vệ sinh, ăn chín uống sôi, sinh đẻ có kế hoạch… Tuyên truyền không dễ dàng, bởi nhiều cái đã trở thành phong tục, tập quán, thế nhưng chúng tôi vẫn kiên trì rồi làm mẫu. Mưa dầm thấm lâu, rồi thấy sự thay đổi nên dần dần bà con cũng thay đổi và làm theo”, Trung tá Lò Văn Phánh nhớ lại.

Đã gần 3 tháng nay, sau bữa cơm tối, uống vội chén trà nóng, Trung tá Lò Văn Phánh và Thiếu tá Hờ A Thành lại rời Tổ công tác Pá Khoang đi xuống Điểm trường Tiểu học của bản để dạy xóa mù chữ cho chị em phụ nữ. Hai người lính Biên phòng cứ thế ngày làm Bộ đội Biên phòng, tối làm thầy giáo quân hàm xanh.

Sau khi ổn định lớp học, Trung tá Lò Văn Phánh hướng dẫn các học viên đọc bài. Những âm thanh vang lên giữa màn đêm tĩnh lặng của núi rừng. Nhìn cách anh say sưa với bài giảng, ai cũng dễ dàng cảm nhận được sự nhiệt huyết của người thầy và sự khao khát đến cháy bỏng được học cái chữ của những học viên là phụ nữ người Mông vùng cao. Với 53 tuổi đời, 33 năm tuổi quân, Trung tá Lò Văn Phánh đã dành trọn cả đời binh nghiệp gắn bó với biên giới Mường Lèo - vùng đất xa xôi, khó khăn nhất của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.


Các chiến sĩ Biên phòng Pò Hèn tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử bảo vệ biên giới của cha anh cho các em học sinh của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: đơn vị cung cấp)
Các chiến sĩ Biên phòng Pò Hèn tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử bảo vệ biên giới của cha anh cho các em học sinh của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: đơn vị cung cấp)

Miệt mài “gùi” luật lên biên giới

Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, gương mẫu, nói đi đôi với làm, Đại úy Lèng Văn Trai - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Khương, BĐBP Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trước khi là Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Mường Khương như hiện nay, Đại úy Lèng Văn Trai là Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Si Ma Cai (2018 - 2021).

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy BĐBP Lào Cai cho biết, trên cương vị Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Si Ma Cai và Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Khương, Đại úy Lèng Văn Trai đã tích cực tham mưu cho UBND các xã hai huyện biên giới Si Ma Cai và Mường Khương xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Đại úy Trai đã tham gia biên soạn 5 tài liệu/1.500 bản Hỏi đáp pháp luật, tiếp nhận, cấp phát 10.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn. Phối hợp tham mưu cho chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn 6 ban tuyên vận cấp xã, 34 tổ tuyên vận thôn, bản. Những năm qua, Đại úy Lèng Văn Trai cùng với các đơn vị và UBND các xã biên giới duy trì hiệu quả 6 mô hình: Mô hình Tổ phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; mô hình Thôn bản an toàn giao thông; mô hình Tổ phòng chống mua bán người và đi làm ăn xa; mô hình An toàn cho phụ nữ, trẻ em; mô hình Hội Cựu chiến binh không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội; mô hình Thanh niên với văn hóa giao thông… với sự tham gia của hơn 10.000 người.

Năm 2022, Đại úy Lèng Văn Trai vinh dự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”. Chi đoàn Đồn Biên phòng Si Ma Cai vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong dịp Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đại úy Lèng Văn Trai là một trong rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong toàn lực lượng đã và đang phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ngày đêm canh giữ yên bình cho biển đảo quê hương, cho biên cương của Tổ quốc. Với họ, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào thiêng liêng khi gắn tên mình lên từng vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Đại úy Lèng Văn Trai - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Khương tuyên truyền pháp luật cho người dân. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Đại úy Lèng Văn Trai - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Khương tuyên truyền pháp luật cho người dân. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Lời kết

Chúng tôi xin được dẫn lời của Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Cá nhân tôi và các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng rất xúc động, đồng thời rất phấn khởi, tự hào trước tinh thần, ý chí, trách nhiệm hết mình vì đất nước, vì Nhân dân của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Chúng tôi khẳng định rằng, quân đội đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân! Toàn quân sẽ không ngừng phấn đấu để mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã dành cho quân đội, dành cho Bộ đội Cụ Hồ”.

Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ kính yêu, BĐBP không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập nhiều chiến công xuất sắc; được dân tin tưởng, yêu mến, đùm bọc, chở che và hết lòng ủng hộ, giúp đỡ. Trọng trách lớn, công việc nhiều, vất vả, khó khăn nhưng bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đều giữ trọn niềm tin yêu, vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng; luôn ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy, một lòng một dạ “phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Quá trình triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, BĐBP đã xuất hiện ngày càng nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Những thành tích đó đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân các dân tộc trên biên giới, hải đảo và cả nước.

Từ kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của lực lượng Biên phòng, một số kinh nghiệm đã được đúc kết, đó là: Phải làm tốt công tác phổ biến, quán triệt để các cấp ủy, mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nắm vững mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và các nội dung cơ bản của Chỉ thị để xây dựng ý thức tự giác, trách nhiệm cao trong tổ chức thực hiện; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện; gắn việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, chức trách, nhiệm vụ của cá nhân; việc thực hiện Chỉ thị phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên và liên tục.

Từ năm 2023, BĐBP phấn đấu thực hiện hiệu quả có chiều sâu Kế hoạch 308-KH/ĐU ngày 11/10/2016 của Đảng ủy BĐBP về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; Kế hoạch 300/KH- ĐU ngày 20/12/2021 về thực hiện Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến tích cực về bản lĩnh chính trị, động cơ trách nhiệm, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng; gắn với thực hiện 3 khâu đột phá, tiếp tục mở rộng, phát triển các mô hình mới, điển hình mới gắn với việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của cơ quan, đơn vị.

Tin tưởng rằng, BĐBP sẽ tiếp tục có những đơn vị, cá nhân điển hình, những mô hình hay, sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Luôn nêu cao trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, hướng dẫn và giúp đỡ Nhân dân trong việc bám đất, bám biên, phát triển kinh tế - xã hội, an cư lạc nghiệp, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Trước khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận Khu Di tích lịch sử Pò Hèn là Di tích lịch sử cấp quốc gia (tháng 9/2022), Di tích lịch sử Pò Hèn được cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pò Hèn thuộc BĐBP Quảng Ninh trực tiếp quản lý. Trong thời gian này, Đồn đã có nhiều hoạt động thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho Nhân dân địa phương và du khách đến với Khu di tích. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, Ðảng bộ Ðồn Biên phòng Pò Hèn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng Nông thôn mới ở các huyện vùng cao Nghệ An - Khó khăn trăm bề: Nhìn từ huyện “trắng” xã NTM (Bài 1)

Xây dựng Nông thôn mới ở các huyện vùng cao Nghệ An - Khó khăn trăm bề: Nhìn từ huyện “trắng” xã NTM (Bài 1)

LTS: Ở những bản làng vùng cao đã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới sẽ là bộ mặt khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên… Nhưng, mảng màu sáng ấy lại như những nét chấm nhỏ trên bản đồ nông thôn mới các huyện miền núi xứ Nghệ. Bởi còn quá nhiều vùng đất mà sự đầu tư, hỗ trợ từ chương trình xây dựng Nông thôn mới chưa vươn tới và phủ hết…