Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Y Yin - Người “kể chuyện” trên thổ cẩm Ba Na

Ngọc Chí - 22:22, 05/01/2025

74 tuổi, đôi tay không còn nhanh nhẹn, nhưng nghệ nhân Y Yin (dân tộc Ba Na) ở làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum vẫn miệt mài bên khung cửi để dệt ra những tấm thổ cẩm mang hoa văn cổ của người Ba Na. Với tài năng của mình, nghệ nhân Y Yin được xem là “báu vật sống” của làng.

Nghệ nhân Y Yin.
Nghệ nhân Y Yin.

Vượt qua cung đường ngoằn nghèo, uốn lượn theo dòng sông Đăk Bla hiền hòa và thơ mộng, chúng tôi đến với làng Kon Kơ Tu. Ngôi làng vẫn giữ được nét yên bình, hoang sơ vốn có và nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Ba Na. Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Y Yin nằm cạnh ngôi nhà rông truyền thống của làng.

Trong ánh nắng bình minh và tiết trời se lạnh, bên hiên nhà, nghệ nhân Y Yin vẫn đang “bầu bạn” với khung cửi. Đôi tay với nhiều nếp nhăn theo thời gian, nhưng vẫn đều đặn kéo chỉ, dệt nên những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu và mang nét độc đáo riêng của người Ba Na. Theo nhịp lách cách đều đều của khung cửi, nghệ nhân Y Yin kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hấp dẫn về thổ cẩm và kỷ niệm gắn bó với nghề.

Bà kể: Từ nhỏ, mỗi khi thấy mẹ mình dệt, bà chăm chú ngồi xem, bắt đầu học từ cách gỡ, móc sợi, cách xếp khung cửi rồi dần đến những động tác dệt cơ bản nhất. Mỗi lần được chỉ dạy, bà luôn lắng nghe và đam mê nó, đêm về ngủ vẫn mơ thấy mình ngồi tập dệt.

Niềm đam mê và khao khát đã thôi thúc bà học hỏi, thực hành mỗi ngày, chẳng mấy chốc mà vượt trội so với những bạn cùng lứa. Mỗi lúc rảnh bà lại miệt mài bên khung cửi, tự tay dệt những tấm thổ cẩm để làm quần áo, những vật dụng dùng cho sinh hoạt đời thường. Bà thành thạo và biết hết tất cả những kỹ thuật trong nghề dệt khi chỉ mới 20 tuổi; đồng thời, không ngừng sáng tạo thêm để tạo nên nét độc đáo riêng.

Một trong đó chính là khả năng “kể chuyện” trên thổ cẩm. Bên cạnh những tấm thổ cẩm thường dùng để làm trang phục hằng ngày, bà còn dệt những tấm vải dùng để trưng bày, trang trí với những câu chuyện được khắc họa sinh động, hấp dẫn qua từng đường nét, hoa văn cổ. Những câu chuyện bà lựa chọn kể trên thổ cẩm thường là những truyện cổ tích, truyền thuyết do bà được nghe kể, nói về các nhân vật anh hùng, sự kiện lịch sử, cuộc sống của thần linh, con người, làng quê ngày xưa... Mỗi câu chuyện dù ngắn hay dài nhưng luôn kết thúc có hậu, mang nhiều ý nghĩa giáo dục cộng đồng.

 Nghệ nhân Y Yin (ngoài cùng bên trái) được xem là “báu vật sống” của làng Kon Kơ Tu.
Nghệ nhân Y Yin (ngoài cùng bên trái) được xem là “báu vật sống” của làng Kon Kơ Tu.

Để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na (đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023), chính quyền xã Đăk Rơ Wa đã thường xuyên phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí trong cộng đồng. Ở mỗi lớp học, bà Y Yin cùng các nghệ nhân khác trở thành những người truyền dạy cho các học viên, thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm truyền thống phát triển.

Nghệ nhân Y Yin chia sẻ: Giờ tuổi đã cao, mắt đã mờ, tôi cũng không biết làm gì ngoài dệt thổ cẩm. Hiện ngoài dệt để phục vụ đời sống, tôi thường nhận đặt hàng của khách để dệt những tấm vải có nội dung kể chuyện. Trung bình mỗi tấm dài 4m, tôi dệt mất 3 tuần và bán với giá 1,2 triệu đồng.

Theo bà Y Yin, để hoàn thành mỗi tấm thổ cẩm “biết kể chuyện” phải mất rất nhiều công sức, tâm huyết nên nếu tính ra tiền công mỗi ngày không được bao nhiêu, chỉ đủ để trang trải đời sống. Dù vậy, bà vẫn cố gắng làm với mong muốn giữ lấy nghề của ông cha, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa người Ba Na, nhắc nhở thế hệ trẻ biết nâng niu, gìn giữ thổ cẩm, để chẳng may sau này già mất đi cũng không hối tiếc.

Già làng A Chun, làng Kon Kơ Tu cho biết: Không chỉ là nghệ nhân giỏi, bà Y Yin còn là tấm gương sáng tích cực tuyên truyền, vận động lớp trẻ chăm lo học hành, gìn giữ văn hóa của cha ông. Các sản phẩm dệt của bà Y Yin đã giúp du khách biết đến làng nhiều hơn, giúp quảng bá du lịch cho địa phương.

Được xem là “linh hồn” của nghề dệt thổ cẩm tại làng Kon Kơ Tu, nghệ nhân Y Yin luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, truyền dạy dệt thổ cẩm cho lớp trẻ tại làng. Với sự nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn của bà Y Yin, hiện làng Kon Kơ Tu có rất nhiều phụ nữ Ba Na trẻ biết dệt thổ cẩm. Trong mỗi dịp lễ hội hay cuộc thi do địa phương tổ chức, tiết mục của làng Kon Kơ Tu lúc nào cũng rực rỡ sắc màu với váy, áo thổ cẩm.

Chị Y Nhen, làng Kon Kơ Tu chia sẻ: Nhờ có nghệ nhân Y Yin truyền dạy mà tôi đã biết dệt thổ cẩm, nhưng hiện nay tôi mới dệt được những sản phẩm đơn thuần phục vụ cuộc sống hằng ngày. Tôi đang tiếp tục theo học nghệ nhân Y Yin cách dệt các loại hoa văn cổ của người Ba Na và cách kể chuyện trên thổ cẩm.

Chia tay nghệ nhân Y Yin với nụ cười hiền hòa, đôi mắt tỏa sáng, chúng tôi tin rằng bằng tài năng và tâm huyết của mình, nghệ nhân Y Yin sẽ tiếp tục giữ nghề và là người truyền niềm đam mê ấy cho thế hệ mai sau. Để những giá trị thổ cẩm của người Ba Na mãi trường tồn với thời gian.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở của Nghệ nhân ưu tú Y Ber

Trăn trở của Nghệ nhân ưu tú Y Ber

Tuổi cao, sức yếu, đôi chân đã mỏi, đôi tay không còn nhanh nhẹn, nhưng Nghệ nhân ưu tú Y Ber (dân tộc Ba Na – nhánh Jơ Lơng) ở làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) vẫn đang miệt mài giữ nghề làm gốm. Trăn trở lớn nhất của bà hiện nay là, nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na đứng trước nguy cơ thất truyền.