Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Yên Bái nhiều chỉ số kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS đạt cao góp phần xây dựng “chỉ số hạnh phúc”

Trọng Bảo - 10:17, 28/10/2024

Yên Bái là tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, mặc dù số liệu chưa được công bố, nhưng qua đánh giá sơ bộ từ cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, diễn ra từ 1/7 đến 15/8 vừa qua, cho thấy có nhiều chỉ số đạt và đạt cao. Những kết quả này đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng; từ đó, thực hiện có hiệu quả “chỉ số hạnh phúc” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Yên Bái ưu tiên phát triển ở vùng DTTS và miền núi để khai thác tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông lâm nghiệp
Yên Bái ưu tiên phát triển ở vùng DTTS và miền núi để khai thác tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông lâm nghiệp

Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS trên địa bàn tỉnh Yên Bái được triển khai thực hiện từ ngày 1/7 và kết thúc vào ngày 15/8/2024. Tỉnh Yên Bái được Trung ương chọn mẫu điều tra, chọn mẫu phiếu hộ tại 146 xã, phường, thị trấn với số hộ được lập bảng kê điều tra là 14.882 hộ đồng bào các DTTS. 

Với tinh thần trách nhiệm cao từ các điều tra viên, các ban ngành liên quan; cuộc điều tra đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, khẳng định những chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả.

Một trong những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi mà tỉnh Yên Bái đã đạt dược trong thời gian qua, đó là lĩnh vực nông lâm nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp ở Yên Bái luôn thuộc nhóm cao nhất trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ và cả nước.

 Cụ thể, bình quân 03 năm 2021-2023 tốc độ tăng trưởng đạt 5,53%, xếp thứ 2/14 tỉnh trong vùng; sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Tỉnh đã và đang ưu tiên phát triển ở vùng DTTS và miền núi để khai thác tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của từng địa phương trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

 Qua đó, đã phát triển được 10 vùng chuyên canh, sản phẩm chủ lực như: Vùng quế 82.724 ha, măng tre Bát Độ 6.471 ha, Sơn tra 9.319 ha, lúa tập trung, chuyên canh gần 4.800 ha, cây ăn quả 10.108 ha, Chè 7.426 ha, vùng nuôi thủy sản 2.600 ha và trên 2.325 lồng cá. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng được 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ: Gạo nếp Tú Lệ, Văn Chấn; bưởi Đại Minh, Yên Bình; cam Sành Lục Yên; lợn bản địa Yên Bái; Sơn tra Mù Cang Chải và Trạm Tấu; quế sản xuất theo phương thức hữu cơ và các loại cây dược liệu...

Năm 2023, tỉnh Yên Bái ban hành Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023-2025, với mục tiêu toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.022 nhà, đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo có nhà ở dột nát, xuống cấp, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nhà ở theo quy định. 

Để triển khai Đề án này, tỉnh đã lồng ghép các nguồn lực thuộc các Chương trình MTQG, nguồn lực ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã khởi công xây dựng và hoàn thành 1.598/1.598 nhà; trong đó, làm mới 1.305 nhà, sửa chữa 293 nhà, đạt 100% kế hoạch đề ra, với tổng kinh phí là 78.905 triệu đồng.

 Kết thúc năm 2024, toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa thêm được 1.424 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ trên 1.200 gia đình có nhà bị sập, trôi, đổ hoàn toàn và hư hỏng nặng do ảnh hưởng bão số 3…

Chế biến sâu các sản phẩm nông sản góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho bà con nông dân
Từ chủ trương, chính sách thu hút, hỗ trợ khuyến khích của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất ở vùng DTTS và miền núi đã đầu tư khoa học kỹ thuật chế biến sâu các sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho bà con nông dân

Ông Trần Xuân Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Yên Bái quan tâm triển khai, đó là thực hiện sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Toàn tỉnh hiện có 442 trường mầm non và phổ thông; trong đó, có 08 trường PTDT nội trú và 41 trường PTDT bán trú. Dự kiến hết năm 2024, toàn tỉnh có 350 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 79,2%, vượt 9,2% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; 400 cơ sở giáo dục đạt tiêu chí “Trường học hạnh phúc” chiếm 88,7% tổng số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó có 396 trường mầm non và phổ thông.

“Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Yên Bái là tỉnh thứ 24 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và là tỉnh thứ 18 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2”, ông Thủy nhấn mạnh.

Yên Bái quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú
Chính sách bảo tồn phát huy giá trị văn hóa đã góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc trong các em học sinh ở các trường học

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc thành một chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; tỉnh xác định “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển. 

Năm 2024, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái ước đạt 66,5%, tăng 13,2% so với đầu nhiệm kỳ (năm 2020 là 53,3%), vượt mục tiêu Nghị quyết (bình quân mỗi năm tăng 3%); có 85,4% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc, 39,3% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; toàn tỉnh đã xây dựng được trên 500 CLB gia đình hạnh phúc…

Những kết quả này, không chỉ là con số khô khan mà nó được minh chứng rõ nét bằng cảm quan về kết quả phát triển kinh tế-xã hội mà cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS vừa qua đã ghi nhận.