Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Yên Thành (Nghệ An): Tín dụng chính sách giúp nhiều thanh niên vượt khó

Mai Hương - 14:30, 03/10/2022

Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn khởi nghiệp và mở rộng quy mô sản xuất của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), những năm qua, Huyện đoàn Yên Thành (Nghệ An) đã làm tốt công thác ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Qua đó, giúp ĐVTN trên địa bàn huyện được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Nguyễn Khánh Phong ở xóm Trung Thịnh, xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vươn lên làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Anh Nguyễn Khánh Phong ở xóm Trung Thịnh, xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vươn lên làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Đơn cử như anh Nguyễn Khánh Phong ở xóm Trung Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, một trong những ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương. Được Đoàn xã tạo điều kiện tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, anh Phong đã mạnh dạn vay 80 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt, từng bước hiện thực hóa mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt. 

Sau nhiều năm vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, hiện nay anh Phong đã sở hữu mô hình chăn nuôi, với hơn 70 con lợn nái, hàng trăm con lợn thịt, gần 150 con gà và 3 ao nuôi cá. Gia đình anh đang tiếp tục xây dựng chuồng trại nuôi lợn thịt, với quy mô 600 con. Bình quân mỗi năm, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, đã mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong xóm.

Cũng như anh Phong, nhiều thanh niên trong huyện Yên Thành, đã vươn lên phát triển  thành công các mô hình kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Liêm ở xóm Phan Thanh, xã Long Thành. Trước đây, cuộc sống gia đình chị rất khó khăn, thu nhập không ổn định. 

Năm 2019, được sự tư vấn của Hội Nông dân xã, gia đình chị đã mạnh dạn làm hồ sơ vay 70 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ cận nghèo của NHCSXH, để đầu tư nuôi lươn và sơ chế lươn, cung cấp cho các nhà hàng ở trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định, thu nhập đạt trên 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương.

Chị Liêm cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, kinh tế gia đình tôi đã khấm khá hơn trước. Gia đình tôi cũng đã giúp cho nhiều lao động tại địa phương có thêm việc làm, thu nhập ổn đình. Thời gian tới, gia đình tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn ngân hàng để mở rộng hơn mô hình sản xuất”.

 Tính đến hết tháng 9/2022, tổng dư nợ ủy thác qua Huyện đoàn đạt 117 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, với 2.627 còn dư nợ. Các mô hình kinh tế của thanh niên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…

Từ 70 triệu đồng nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH huyện, gia đình chị Nguyễn Thị Liêm ở xóm Phan Thanh, xã Long Thành (Yên Thành, Nghệ An) đầu tư mô hình nuôi và làm lươn mang lại thu nhập kinh tế cao cho gia đình .
Từ 70 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH huyện, gia đình chị Nguyễn Thị Liêm ở xóm Phan Thanh, xã Long Thành, huyện Yên Thành đã đầu tư mô hình nuôi lươn, mang lại thu nhập cao .

Ông Nguyễn Khắc Bằng, Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn cho biết: Xác định công tác ủy thác vốn vay ưu đãi với NHCSXH, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp, Huyện đoàn đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng sử dụng vốn cho ĐVTN. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) về nghiệp vụ quản lý vốn vay.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn vốn, hằng năm, Huyện đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay. Trong 9 tháng năm 2022, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã kiểm tra được 90% xã, thị trấn, 31 tổ TK&VV, 161 hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có ý thức trả gốc, trả lãi đúng kỳ hạn, chất lượng tín dụng đảm bảo. Hiện, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,03% trên tổng dư nợ.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH đã giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên, lao động nông thôn, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, một số hộ đến nay đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như: Đoàn viên Nguyễn Văn Hà, sinh năm 1987, Chi đoàn xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành xây dựng thành công mô hình trang trại, trong đó tập trung trồng bưởi da xanh; anh Trần Trọng Phi với mô hình sản xuất cà dây leo túi lọc đã có thương hiệu trên thị trường.

 Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn tích cực vận động, tuyên truyền thanh niên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, thường xuyên tổ chức giao lưu, gặp gỡ thanh niên có ý tưởng xây dựng mô hình kinh tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau…

Có thể thấy rằng, sự tích cực, chủ động trong thực hiện công tác nhận ủy thác vốn vay với NHCSXH của Đoàn Thanh niên huyện Yên Thành, đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Đồng thời, hỗ trợ các ĐVTN xây dựng các mô hình kinh tế để lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn huyện.

Ông Phan Hữu Trang, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Thành cho biết: “Những năm qua, Huyện đoàn Yên Thành luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên để thực hiện nhiệm vụ ủy thác vốn; kịp thời báo cáo với ngân hàng những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở  để phối hợp để giải quyết. Đồng thời,  luôn quan tâm củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV trực thuộc, 100% các tổ TK&VV hoạt động tốt, khá. Nguồn vốn đã tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho gia đình cũng như địa phương".