Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Agribank: Chủ động tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh giải ngân cho vay nhà ở xã hội

Nguyễn Hoa - 15:00, 07/08/2024

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh giải ngân chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo lại chung cư cũ, góp phần thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư đồi Ngân hàng (Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) do Agribank cấp tín dụng
Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư đồi Ngân hàng (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) do Agribank cấp tín dụng

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ với chương trình tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án, người mua nhà nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp, Agribank dành 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, kéo dài đến hết 31/12/2030.

Lãi suất ưu đãi của chương trình được điều chỉnh 6 tháng/lần. Hiện nay, lãi suất áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 đối với chủ đầu tư là 7,0%/năm và đối với người mua nhà là 6,5%/năm. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, còn đối với người mua nhà là 5 năm.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội theo hướng giảm lãi suất dành cho người mua nhà từ 3 - 5%. Khi chính sách có hiệu lực, Agribank sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhiều người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội. Đồng thời, tiếp tục chủ động tiếp cận các dự án nhà ở xã hội mới theo danh sách phê duyệt của Bộ xây dựng, qua đó đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư, xây dựng.

Đến nay, trong tổng số 1.344 tỷ đồng vốn tín dụng các ngân hàng đã giải ngân tới chủ đầu tư, người mua nhà, Agribank dẫn đầu doanh số giải ngân với gần 650 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư dự án và hơn 40 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội. 

Theo đó, Agribank đã phê duyệt các dự án: Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Thống Nhất Smart City tại huyện Yên Phong, dự án Khu nhà ở xã hội tại thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; Dự án Nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư đồi Ngân hàng tại phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; Dự án nhà ở xã hội tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang… với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 1.500 tỷ đồng.

Tính riêng trong quý II/2024, Agribank đã phê duyệt cấp tín dụng đối với 3 dự án nhà ở xã hội và tăng giải ngân hơn 150 tỷ đồng tới các dự án và người mua nhà. Dự kiến, trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục cấp tín dụng hơn 1.500 tỷ đến 5 dự án nhà ở xã hội mới tại các địa phương: Bình Định, Hải Phòng, Lâm Đồng và Thái Nguyên.

Mặc dù còn những vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi, cần có tháo gỡ từ các bộ ngành, địa phương, song những nỗ lực triển khai và kết quả ban đầu của Agribank đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đi đôi với kiểm soát rủi ro; tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp sở hữu nhà ở đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Chính sách dân tộc làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS ở Mường Nhé

Chính sách dân tộc làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS ở Mường Nhé

Những năm gần đây, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã được huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện cuộc sống.