Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Ấm áp bữa cơm 0 đồng

Lê Hường - Quốc Phong - 10:55, 09/03/2021

Không đơn thuần là bữa ăn trưa miễn phí, “Nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm" dành cho người khó khăn, học sinh xa nhà vào buổi trưa của các bà, các cô ở thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp (Đăk Nông), còn mong muốn gieo vào tâm hồn các em học sinh tấm lòng thiện nguyện, biết yêu thương, giúp đỡ người khó khăn.

Nhiều người cơ nhỡ và các cháu học sinh nghèo là khách thường xuyên của Nhà ăn không đồng Nhất Tâm
Nhiều người cơ nhỡ và các cháu học sinh nghèo là khách thường xuyên của Nhà ăn không đồng Nhất Tâm

Từ sáng sớm, “Nhà ăn không đồng Nhất Tâm” đã tấp nập rộn ràng, người nhặt rau, người ngâm gạo, người dọn dẹp vệ sinh bàn ghế để chuẩn bị suất ăn trưa miễn phí. Tiếng cười nói của các bác, các cô hòa lẫn âm thanh của các hoạt động làm không gian càng thêm nhộn nhịp. 

Bữa cơm trưa miễn phí hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Mỗi bữa có khoảng 200 phần cơm giúp hàng trăm em nhỏ đi học xa nhà, học sinh dân tộc thiểu số, người nghèo, người già neo đơn, người lao động thu nhập thấp, khách vãng lai lỡ bữa ấm lòng.

Nhà cách trường học gần chục cây số, vào những ngày học hai buổi, Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp) thường được bố mẹ chuẩn bị cơm sẵn mang theo ăn trưa. Do nấu từ sáng đến trưa mới ăn nên cơm, đồ ăn nguội lạnh; đặc biệt những ngày trời lạnh, nhìn hộp cơm chẳng muốn ăn. 

"Hồi trong Tết cô giáo chỉ nhà ăn Nhất Tâm này cho học sinh ở xa ăn miễn phí, tan trường chúng cháu rủ nhau ra ăn cơm. Ăn cơm ở đây không chỉ ngon miệng mà cháu cảm thấy rất ấm áp”, Yến Nhi chia sẻ.

Các tình nguyện viên chuẩn bị trái cây cho bữa ăn
Các tình nguyện viên chuẩn bị trái cây cho bữa ăn

Hoàn cảnh đơn độc, không nơi nương tựa, ông Trần Văn Hạnh, ở xã Đăk Wer (huyện Đăk R'lấp) hàng ngày phải chạy xe ôm để mưu sinh. Trước đây, chưa có taxi hoạt động, xe ôm còn có khách; giờ bữa có khách bữa không, thu nhập bấp bênh. Một suất cơm trưa hiện cũng tăng giá lên 30 nghìn đồng nên ông thường ăn bánh mì thay cơm. 

"Làm công việc chân tay như chúng tôi, ăn ổ bánh mì chỉ để lót dạ chứ không no được. Từ khi có bếp ăn 0 đồng, tôi không những có nơi để ăn mà còn được mọi người quan tâm", ông Hạnh tâm sự.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, quán cơm miễn phí này do bà Nguyễn Thị Tuyết, một người dân ở thôn 11, xã Nhân Cơ lập nên. Xuất phát từ thực tế thấy nhiều em học sinh ở xa đi học ngày 2 buổi phải mang theo cơm ăn trưa, chứng kiến nhiều người bán vé số, xe ôm ăn tạm ổ bánh mì nguội cho qua bữa, bà Tuyết nảy ra ý tưởng lập bếp ăn trưa miễn phí này.

Khoảng tháng 9/2020, bà Tuyết đứng ra kết nối và kêu gọi mạnh thường quân ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ và nhận được khoảng 150 triệu đồng để mua sắm thiết bị, đồ dùng như lò hấp cơm, bếp, tủ kính và bàn ghế. Bà Tuyết cùng với bạn bè, người dân địa phương trực tiếp đứng bếp, phục vụ người chuẩn bị nguyên liệu, người nấu, mỗi người một việc để mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh. Đúng ngày 20/11/2020, Nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm khai trương.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết cùng cộng sự ghi chép sổ sách của nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết cùng cộng sự ghi chép sổ sách của nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm

Bà Tuyết chia sẻ: Đồ ăn là các thực phẩm, món ăn chay nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Khi mới đi vào hoạt động, bếp ăn chủ yếu huy động nguồn từ sự đóng góp của các thành viên sáng lập và người tham gia phục vụ, tất cả đều là người địa phương. 

Tiếng lành đồn xa, bếp ăn ngày càng đông khách và nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện ủng hộ nguồn lực duy trì bếp. Người có tiền giúp tiền, người có gạo giúp gạo, có người cho trái cây, thực phẩm, đồ gia vị đã góp phần duy trì đều đặn mỗi ngày những bữa cơm không đồng này. Sau mỗi bữa ăn, những người sáng lập bếp đều ghi chép sổ sách, tính toán món ăn và lưu các mẫu thức ăn để phục vụ việc kiểm tra của cơ quan chức năng về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Không chỉ dừng lại ở việc duy trì bữa ăn trưa miễn phí, mong muốn lớn nhất của chúng tôi chính là lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” “lá lành đùm lá rách”, hun đúc thêm ý thức hướng thiện của mọi người trong xã hội, gieo vào tâm hồn các em nhỏ tấm lòng biết yêu thương, giúp đỡ người khó khăn”, bà Tuyết chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.