Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

"Âm vang đại ngàn" đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống các DTTS Kon Tum

H.Đại - P. Nguyên - 20:14, 18/11/2022

Những ngày này, nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum) nằm bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa và thơ mộng trở nên rộn ràng với âm thanh của đại ngàn. Hơn 600 nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã hội tụ về đây, để tham gia diễn tấu cồng chiêng, múa xoang và trình diễn các nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Các đội tham gia thi diễn tấu cồng chiêng
Các đội tham gia thi diễn tấu cồng chiêng

Với chủ đề “Âm vang đại ngàn”, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022 được diễn ra từ ngày 16/11 đến ngày 18/11/2022, tại Tp. Kon Tum. Đến với Hội thi lần này, có gần 30 đội của 10 huyện, thành phố trên toàn tỉnh, trong đó có 19 đội đã đạt thành tích xuất sắc tại hội thi cấp huyện. Các nghệ nhân sẽ tham gia trình diễn, thể hiện những loại hình nghệ thuật độc đáo, như: Hát dân ca, tái hiện trích đoạn lễ hội truyền thống, chỉnh chiêng... và đặc biệt là nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng.

Nghệ nhân A Khanh (dân tộc Gié Triêng), thôn Đăk Wâk, xã Kroong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội thi cồng chiêng, xoang do tỉnh tổ chức, cảm thấy rất vui và phấn khởi. Tôi cùng với các thành viên trong đoàn vừa trình bày bài chiêng, xoang ơn Đảng, ơn Bác hồ và tái hiện Lễ Mừng lúa mới. Mong muốn của tôi đến với hội thi lần này, là được giới thiệu về những nét văn hóa độc đáo của người Gié Triêng và học hỏi thêm về nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của các dân tộc khác trong tỉnh.

Tái hiện lại các phong tục của bà con DTTS vùng Bắc Tây Nguyên
Tái hiện lại các sinh hoạt thường ngày của bà con DTTS vùng Bắc Tây Nguyên

Vượt chặng đường gần 100 km từ huyện Tu Mơ Rông xuống Tp. Kon Tum để tham dự Hội thi, 25 nghệ nhân ở làng Mô Bành 1, xã Đăk Na đã tái hiện sinh động không gian Lễ Mừng lúa mới của người Xơ Đăng; bài chiêng Mừng chiến thắng; hát Ting ting với bài hát “Từ khi ta có Đảng” để nhớ ơn Đảng, Nhà nước đã cho bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. 

Theo anh A Phoa: Khi có thông tin của huyện cho đội tham dự hội thi, tôi và các anh, chị em trong đội rất phấn khởi, tập luyện hơn 1 tháng rồi. Hôm nay biễu diễn xong, cảm thấy rất vui vẻ. Ngoài biễu diễn, chúng tôi còn tham gia giao lưu với các anh, em từ các đơn vị khác để học hỏi kinh nghiệm, sau này về mình biết cách làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài những nghệ nhân lớn tuổi, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất còn thu hút rất đông đảo các em thanh thiếu niên tham gia biễu diễn. Điều đó cho thấy, thế hệ trẻ hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống cha ông gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mãi trường tồn với thời gian. 

“Em cảm thấy rất vui và hào hứng khi được tham gia hội thi lần này. Được hòa nhịp chiêng, xoang cùng với các các bác, cô là vinh dự lớn, giúp em học hỏi được nhiều hơn, yêu quý, tự hào hơn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi lần được chứng kiến sự kiện như vậy, em có suy nghĩ là mình phải học hỏi để gìn giữ lại cho thể hệ mai sau”,  em Y Triều (dân tộc Ba Na) đến từ xã Đăk Năng, Tp. Kon Tum chia sẻ.

Đội cồng chiêng, xoang xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei tham gia hội thi
Đội cồng chiêng, xoang xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei tham gia hội thi

Tỉnh Kon Tum có 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ, gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Hội thi được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân; là dịp để các thế hệ nghệ nhân được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo chia sẻ: "Tôi đánh giá rất cao ý tưởng này của tỉnh Kon Tum. Bây giờ chúng ta bảo tồn cồng chiêng trong không gian văn hóa của nó rất khó. Mà nghệ thuật cồng chiêng đã xác định rất rõ là giá trị đỉnh cao của nhân loại. Cách làm của Kon Tum tách nó ra khỏi cộng đồng, đưa nó vào cuộc thi mà thực chất của cuộc thi là liên hoan để khích lệ, khuyến khích tình yêu của lớp trẻ với cồng chiêng Tây Nguyên. Từ ý tưởng này, tôi tin rằng các tỉnh khác cũng sẽ nghiên cứu để học tập". 

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng luôn được tỉnh Kon Tum quan tâm, chú trọng; các cấp, các ngành đã triển khai hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum. 

Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.500 bộ cồng chiêng được các DTTS bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị. Hội thi lần này không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng, xoang nói riêng và trong đời sống của đồng bào DTTS tại tỉnh Kon Tum.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.