Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

An Giang: Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội

Mai Hương - 4 giờ trước

Trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang đã tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, giúp hàng nghìn người dân trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Thanh Dương (ở giữa), Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang) kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay từ NHCSXH
Ông Lê Thanh Dương (đứng giữa), Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang) kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay từ NHCSXH

Anh Thái Xuân Hoàng, ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú trước đây điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, bản thân anh không có việc làm ổn định, thu nhập của gia đình quanh năm chỉ nhờ vào mấy công lúa, nhưng thường gặp tình trạng trúng mùa thì mất giá và ngược lại. Vì vậy, kinh tế gia đình chưa có điều kiện phát triển tốt hơn. Sau đó, được NHCSXH cho vay vốn chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm với số tiền 38 triệu đồng.

Với số vốn trên, anh Hoàng đã cải tạo đất làm vườn, mua giống, phân bón... kết hợp với sự hỗ trợ kỹ thuật trồng nhãn xuồng từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, học hỏi kinh nghiệm của những nông dân trồng nhãn có hiệu quả cao, anh đã trồng được 5.000m2 nhãn xuồng. Qua việc áp dụng kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm hay và hiệu quả kết hợp với sự chăm chỉ, cần cù cũng như quyết tâm của bản thân, đến tháng 6/2023, vườn nhãn của gia đình anh Hoàng đạt năng suất cao, cho thu hoạch khoảng 3.500kg/năm và thu về trên 122,5 triệu đồng.

“Với nguồn vốn vay 3 năm đầu được Nhà nước hỗ trợ lãi, 2 năm còn lại mới đóng lãi. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ đó, trừ hết chi phí, tôi có được khoản lợi nhuận 97,5 triệu đồng. Từ kết quả đầu tư có hiệu quả nguồn vốn từ chương trình tín dụng của NHCSXH, hiện nay, bản thân tôi đã có việc làm ổn định, thu nhập đều hàng tháng, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nhà cửa khang trang hơn, tiện nghi trong gia đình đáp ứng khá đầy đủ, cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần của gia đình nâng cao hơn nhiều so với trước đây” - anh Hoàng chia sẻ thêm.

Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh An Giang
Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh An Giang

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang Trần Thế Loan, cho biết: Bám sát chỉ đạo của Ban Tổng Giám đốc NHCSXH, các ban chuyên môn nghiệp vụ hội sở chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh, Chi nhánh tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến 30/11/2024, tổng nguồn vốn đạt 5.506,7 tỷ đồng, tăng 509,8 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 10,2%. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 350 tỷ đồng; tăng 50,6 tỷ đồng đạt 169% kế hoạch giao năm 2024 và chiếm 6,36% tổng nguồn vốn.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kịp thời phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho các phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện. Kế hoạch tăng trưởng dư nợ được ưu tiên tập trung ở một số chương trình tín dụng cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Các đơn vị đã chủ động tham mưu ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp phân giao chỉ tiêu kế hoạch, chỉ đạo sát sao công tác tổ chức giải ngân, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách tại địa phương.

 Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh An Giang
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh An Giang

Đến ngày 30/11/2024, tổng doanh số cho vay 1.560 tỷ đồng, với 32.824 lượt khách hàng vay vốn; so cùng kỳ năm 2023, doanh số cho vay tăng 162,2 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ đạt 1.048,6 tỷ đồng, so cùng kỳ năm 2023 doanh số thu tăng 335,5 tỷ đồng. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 5.495,6 tỷ đồng, tăng 505,6 tỷ đồng, hoàn thành 98,07% kế hoạch Trung ương giao, với 150.381 khách hàng còn dư nợ.

Đến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 728.741 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính khác được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho 85.088 lao động tại địa phương, giúp trang trải chi phí học tập cho 83.489 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giúp 4.290 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, giải ngân cho 258.825 lượt hộ vay vốn, để xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn... Qua đó, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen” trên địa bàn.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang Trần Thế Loan đề nghị, các phòng chuyên môn thuộc chi nhánh và các phòng giao dịch huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 được giao. Đặc biệt, rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đủ điều kiện có nhu cầu để giải ngân kịp thời khi được giao chỉ tiêu bổ sung; xây dựng kế hoạch giảm số hộ, nâng mức cho vay các chương trình, đảm bảo đầu tư vốn hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước nâng mức dư nợ bình quân/hộ. Tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2024 (đối với những đơn vị chưa đạt chỉ tiêu được giao) và năm 2025 sang NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thu hồi nợ, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt là nợ khoanh đến hạn; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ kiết kiệm và vay vốn. Phân tích nguyên nhân và củng cố các tổ kiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình, yếu, lãi tồn đọng, tỷ lệ nợ quá hạn cao, nâng cao dư nợ đối với những tổ có dư nợ thấp. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn tổ viên tổ kiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay…

Tin cùng chuyên mục
Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Đọc nhiều