Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

An toàn lưới điện mùa mưa bão ở Quảng Ninh: Chú trọng phương châm "Phòng hơn chống"

Nghĩa Hiệp - 21:50, 26/08/2021

Với đặc thù của vị trí địa lý, khí hậu của tỉnh biên giới, bao gồm cả diện tích biển và nhiều khu vực đồi núi, Quảng Ninh là một trong những địa phương phải chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, bão lụt bất thường. Đặc biệt, ở những huyện miền núi, địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, với mật độ dân cư thưa thớt, đường điện kéo dài qua đồi núi hiểm trở; nơi thường xuyên xảy ra giông, sét, gây mất an toàn đường lưới điện, đặc biệt trong mùa mưa bão. Do vậy, việc đảm bảo an toàn lưới điện, củng cố hệ thống đường dây điện luôn được chính quyền địa phương, ngành Điện lực Quảng Ninh ưu tiên xử lý.

Nhân dân thôn Đồng Và đóng góp công sức, cùng Điện lực đảm bảo an toàn hành lang lưới điện
Nhân dân thôn Đồng Và đóng góp công sức, cùng Điện lực đảm bảo an toàn hành lang lưới điện

Chủ động các phương án vận hành an toàn lưới điện

Do đặc thù của vị trí địa lý nên Quảng Ninh là một trong những địa phương phải chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, bão lụt bất thường. Mặt khác, với lợi thế phát triển vùng nguyên liệu lâm nghiệp, một bộ phận người dân địa phương đã và đang đẩy mạnh trồng rừng trong các năm gần đây. Nhiều khu vực cây cối cây cao ngoài hành lang có khả năng đổ vào đường dây khi giông, lốc, mưa bão đổ bộ.

Để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục và ổn định, với quan điểm phòng hơn chống, nên hằng năm, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đều chuẩn bị kỹ lưỡng việc ứng phó với thiên tai, bão lũ. Như năm 2021, ngay từ đầu Công ty đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn do ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Giám đốc Công ty làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thành lập các đội xung kích và nghiêm chỉnh tổ chức diễn tập theo các tình huống giả định. 

Công ty cũng đã quyết liệt chỉ đạo điện lực các huyện, thị, thành phố nghiêm túc tổ chức rà soát lưới điện để kịp thời phát hiện, khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại trên lưới để vừa đáp ứng việc cung ứng điện năng, vừa tăng cường hệ thống điện trong thời điểm thiên tai; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị thay thế dự phòng để kịp thời xử lý sự cố nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho ngành Điện; bố trí lực lượng ứng trực để cấp điện trở lại một cách an toàn cho người dân sớm nhất.

Đặc biệt, PC Quảng Ninh yêu cầu, các đơn vị thực hiện khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm xử lý, khắc phục kịp thời sự cố do thiên tai gây ra với hệ thống lưới điện. Khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy sẽ trực chỉ huy 24/24h để theo dõi, nắm bắt diễn biến thiên tai, chỉ huy và điều động kịp thời nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị dự phòng trong Công ty để khắc phục hậu quả nhanh nhất.

Nhìn từ thực tế...

Để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện và giúp hộ sử dụng tiết kiệm điện năng, những năm qua, Điện lực Tiên Yên đã triển khai nhiều các biện pháp cụ thể. Một trong những hoạt động được chú trọng nhất, là việc nâng cao ý thức người dân trong việc đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện sau công tơ điện.

Điện lực cũng thường xuyên cắt cử nhân viên đi kiểm tra hệ thống đường điện của khách hàng trong toàn huyện. Nếu phát hiện hệ thống lưới điện mất an toàn, Điện lực sẽ thông báo cho khách hàng và hướng dẫn khắc phục.

Hiện trạng ở Tiên Yên có một số khu vực, nhiều hộ dân xây dựng lưới điện tự phát, dây sau công tơ ở xa công tơ điện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện. Một phần nữa do ở xa tuyến đường chính, nên dù điện lưới quốc gia đã kéo về gần đến thôn, nhưng người dân vẫn gặp khó trong việc đưa điện về nhà.

Công nhân Điện lực TP. Hạ Long tuyên truyền an toàn điện trong Nhân dân. Ảnh PC Quảng Ninh
Công nhân Điện lực TP. Hạ Long tuyên truyền an toàn điện trong Nhân dân. Ảnh PC Quảng Ninh

Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng thôn Đồng Và, xã Yên Than cho biết: “Các hộ dân ở xa công tơ điện, nhà gần cũng 100m, nhà xa lên đến 800m. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nên để kéo được điện từ sau công tơ về nhà sử dụng, các hộ chỉ có thể kéo dây điện bằng cáp nhôm, treo tạm trên các cành cây, cọc tre. Chúng tôi đã đề xuất xin UBND huyện cùng Điện lực Tiên Yên hỗ trợ người dân làm lại đường điện để an toàn hơn”.

Sau khi nắm tình hình, tâm tư và nguyện vọng của người dân thôn Đồng Và, Điện lực Tiên Yên cùng UBND huyện Tiên Yên đã cùng phối hợp với người dân, xây dựng phương án. Theo đó, người dân sẽ bỏ công đào móng chôn, dựng cột điện; Điện lực Tiên Yên sẽ điều kỹ thuật xuống hạ thế dây, lắp đặt; UBND huyện Tiên Yên hỗ trợ cột bê tông.

Ông Vũ Thế Lân, Phó Giám đốc Điện lực Tiên Yên cho biết: “7 ngày sau khi nhận được ý kiến của người dân, đến ngày 29/6 chúng tôi đã hoàn thiện 9 cột điện thuộc đường dây hạ thế. Kéo dây đấu nối chuyển công tơ sang đường dây mới cho 17 hộ dân khu làng cũ, thôn Đồng Và, xã Yên than. Đây là một trong những giải pháp đảm bảo an toàn dây ra sau công tơ của Điện lực Tiên Yên trên địa bàn huyện”.

Kể từ khi có đường điện mới, người dân thôn Đồng Và cảm thấy an tâm hơn mỗi khi ra đường. Ông Hồng chia sẻ thêm: “Không chỉ an toàn mà giờ dây đường thôn còn gọn gàng, đẹp đẽ, vì không có sự xuất hiện của những trước cột tre ngả nghiêng khi gió về. Đường dây từ công tơ về nhà người dân cũng ngắn hơn, không còn nỗi lo mất an toàn dây sau công tơ điện, nhất là trong mùa mưa bão”.

Cột điện bê tông được thay thế cho các cột điện tre
Cột điện bê tông được thay thế cho các cột điện tre

Hiện, địa bàn huyện Tiên Yên đã đáp ứng đủ 100% cột điện được bê tông hóa, các yếu tố an toàn về hành lang lưới tiện. Điện lực Tiên Yên cũng đã bố trí ca trực 24/24h đảm bảo tiếp nhận sự cố phát sinh khi người dân thông báo. Đồng thời xây dựng phương án cụ thể về xử lý sự cố, đảm bảo điện ổn định để người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất kinh doanh.

Điện lực Tiên Yên chỉ là một trong những địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn lưới điện cho người dân.

Theo ông Phạm Đình Chấn, Phó Giám đốc Công ty, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn PC Quảng Ninh cho biết: Đến nay, PC Quảng Ninh đã hoàn thành toàn bộ các công việc liên quan đến kiểm định định kỳ gần 500 trạm biến áp phân phối ; xử lý dứt điểm các tồn tại sau khi kiểm định tại các công trình điện; kiểm tra kỹ thuật, vệ sinh thiết bị thoát sét ngọn cột, gốc cột, đo điện trở tiếp địa 1.050 vị trí của hệ thống đường dây 110 kV; xử lý kịp thời các khiếm khuyết của mối nối dây, sứ cách điện; thực hiện chỉnh trang 5S lưới điện; thay thế các tuyến dây điện đã xuống cấp và sứ cách điện bị nứt vỡ... sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa bão sắp tới với tinh thần và trách nhiệm cao nhất./.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.