Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng: Hơn 5.000 ngày đi bộ đưa thư

Thành Khiêm - Minh Thu - 09:58, 25/08/2020

Suốt 15 năm, bước chân ông in dấu trên hầu hết mọi bản làng của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) để làm công việc của người đưa thư, bưu phẩm. Từng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ công việc của mình. Ông là Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng ở buôn Bnơr C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Công đoàn Bưu điện tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi tặng quà vợ chồng Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng.
Công đoàn Bưu điện tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi tặng quà vợ chồng Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng.

Không ngại hiểm nguy

Kể về hành trình thực hiện công việc của mình, ông Cil Múp Ha K’riêng nói, năm 1980, ông được nhận vào làm bưu tá ở Bưu điện huyện Lạc Dương. Ngày đó, giao thông, phương tiện đi lại đều khó khăn nên ông phải đi bộ để đưa thư. Có ngày, ông đi bộ cả trăm cây số đường rừng. Ông bảo, chuyện ăn cơm nắm, ngủ rừng hay đối mặt với nhiều hiểm nguy với ông là bình thường. Niềm vui và hạnh phúc của ông ngày ấy là, những lá thư, những thông tin, gói bưu phẩm sớm chuyển đến được tay người nhận.

Chính vì thế mà sau này, người dân trong buôn làng yêu quý gắn cho ông danh hiệu “Anh hùng chân đất”, bởi hành trình liên tục đi bộ đưa thư, báo, công văn, bưu phẩm trên tuyến đường rừng Lạc Dương - Đầm Ròn (Đam Rông), với thời gian ông đi cộng lại có đến 5.000 ngày.

Ông còn nhớ, năm 1983, khi cùng một đồng nghiệp mang bưu phẩm từ bưu điện về xã Đạ Tông. Để rút ngắn quãng đường, hai người đã chọn cắt rừng để đi, bất ngờ 1 con gấu to lớn xuất hiện, lao vào tấn công khiến đồng nghiệp của ông bị chảy máu đầm đìa. Lúc đó, trong tay có 1 cái xà gạt để phát nương, ông lao vào con gấu vừa vung xà gạt vừa la lớn để xua đuổi. Trong lúc luống cuống, chiếc xà gạt bị văng khỏi tay, ông vội vơ đại một khúc gỗ gần đó để đánh nhau với con thú hung hãn. “Chắc thấy mình quyết liệt quá nên con gấu rút lui. Nhờ đó, cả hai thoát nạn. Nhớ lại thôi cũng thấy rùng mình”, ông nói.

Những năm sau ngày thống nhất đất nước, tình hình an ninh, trật tự khu vực Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng còn nhiều bất ổn do Fulro quấy phá. Có một câu chuyện mà đến giờ này ông vẫn day dứt. Đêm trước ngày đi làm, ông bị một cơn sốt rét hành hạ. Không thể dậy nổi, ông nhờ vợ báo với lãnh đạo bưu điện xin nghỉ. Cơ quan cử hai người khác đi thay ông. Và việc đau đớn đã xảy ra, khi chuyến đi đó hai đồng nghiệp của ông đã mãi mãi không bao giờ trở về. “Đạn của Fulro đã giết chết 2 người bưu tá ấy”, giọng ông Cil Múp Ha K’riêng như chùng xuống, nước mắt ông chực trào ra.

Vinh danh một Anh hùng

Làm việc tại Bưu điện huyện Lạc Dương từ năm 1980 đến năm 1995, ông được cơ quan cấp cho 1 chiếc xe máy để đi lại, làm việc. Năm 2006, một tai họa đã ập xuống, khi bác sĩ chẩn đoán ông có 1 khối u trong não, phải mổ gấp. Do ảnh hưởng của những di chứng từ ca mổ, đôi mắt của ông cứ mờ đi. Đôi chân cũng dần bị teo và liệt, không thể làm việc, năm 2008 ông phải nghỉ chế độ.

Trong cuốn lịch sử của ngành Bưu chính Viễn thông có ghi, những năm của thập niên 80, Cil Múp Ha K’riêng đã không ngại đường sá khó khăn, địa bàn hiểm trở, không sợ nguy hiểm phải đương đầu với Fulro hoặc thú dữ để hằng ngày chuyển thư của người dân, thông tin của Đảng đến các xã vùng xa, trên đôi vai và đôi chân trần. Những cơn sốt rét rừng, bệnh tật không làm chùn ý chí của anh.

Với những cống hiến trong những năm công tác, Cil Múp Ha K’riêng đã được nhận nhiều Bằng khen các loại. Đặc biệt, năm 2001 ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới. 

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.