Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Ông Tám "Hòa Hảo" – Người gieo mầm từ bi và thịnh vượng ở Ô Môn

Như Tâm - 11 giờ trước

Ông Tám "Hòa Hảo" tên thật là Nguyễn Văn Bi theo phật giáo Hòa Hảo. Ông là một trong những nông dân sản xuất giỏi, được chức sắc, cán bộ lãnh đạo địa phương, người dân ở phường Ô Môn, TP. Cần Thơ ghi nhận là biểu tượng sống động cho tinh thần "Đạo đời hòa quyện".

Ông Tám Bi luôn - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hòa Phát luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn khi có người cần giúp đỡ (Ảnh: Hạnh Nguyên)
Ông Tám Bi, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hòa Phát luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn khi có người cần giúp đỡ. (Ảnh: Hạnh Nguyên)

Người gieo “hạt giống lành” giữa đời thường

Ông Nguyễn Văn Bi (SN 1960) hiện là Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hòa Phát, trú tại phường Ô Môn, TP. Cần Thơ. Xuất thân từ một hộ gia đình nông dân, nên ông luôn nêu cao tinh thần học hỏi kinh nghiệm về tăng gia sản xuất hiệu quả; đồng thời tiên phong áp dụng kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, góp phần công cuộc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của cả cộng đồng.                                             

Minh chứng từ mô hình sản xuất rau muống của gia đình ông Bi. Ban đầu, gia đình ông có 10 công (1ha) đất, sau khi đi tham quan mô hình trồng rau muống ở tỉnh An Giang và thấy hiệu quả kinh tế vượt trội, ông Bi mạnh dạn cải tạo đất, chuyển sang trồng rau muống theo hướng an toàn sinh học, sử dụng phân hữu cơ và áp dụng công nghệ tưới tiêu hiện đại. 

Sau một thời gian, thấy hiệu quả rõ rệt, ông tiếp tục mua thêm 1ha nâng tổng diện tích sản xuất rau muống an toàn lên 2ha. Hiện mô hình của ông trở thành điểm tham quan học tập cho nông dân trong và ngoài phường.

Với mô hình rau an toàn, ông Tám Bi đã tạo việc làm cho nhiều thành viên của HTX Rau an toàn Hòa Phát (Ảnh: Hạnh Nguyên)
Với mô hình rau an toàn, ông Tám Bi đã tạo việc làm cho nhiều thành viên của HTX Rau an toàn Hòa Phát. (Ảnh: Hạnh Nguyên)

Với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 5 triệu đồng/1.000m²/vụ mô hình trồng rau muống của ông Bi đạt năng suất 2,5 tấn/1.000m², giá bán bình quân 5.000 – 6.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận khoảng 7,5 triệu đồng/vụ. Một năm có thể canh tác 10 vụ , tổng lợi nhuận đạt khoảng 75 triệu đồng/1.000m²/năm – con số rất khả quan so với nhiều mô hình nông nghiệp khác.

Rau muống từ HTX Hòa Phát được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể và các công ty, nhờ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của ông tạo việc làm ổn định cho 7 đến 10 lao động địa phương, với mức thu nhập 250.000 đồng/người/ngày.

Bên cạnh việc trực tiếp sản xuất, ông Bi tích cực phối hợp với Hội Nông dân các cấp và Trạm Khuyến nông để hướng dẫn bà con kỹ thuật, vận động chuyển đổi cây trồng, tăng năng suất, giảm chi phí và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, đến nay, tại khu vực Thới Hòa, hiện có 70 hộ trồng rau muống với sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 570 tấn/ tháng, tương đương 18 tấn/ngày. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, người dân địa phương đã có thu nhập ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho cho gần 200 lao động, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp và góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Với thành công từ mô hình sản xuất rau an toàn và sự tin tưởng của bà con, ông Tám Bi (tên thường gọi của ông) cho biết, ông sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là các hội viên Hội Nông dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Tám Bi cùng các hội viên thu hoạch rau muống (Ảnh: Hạnh Nguyên)
Ông Tám Bi cùng các hội viên thu hoạch rau muống. (Ảnh: Hạnh Nguyên)

Lan tỏa tinh thần từ bi, tương thân tương ái

Là người con của Phật giáo Hòa Hảo, ông Tám Bi luôn tâm niệm rằng: Làm giàu không chỉ để cho mình, mà còn để giúp đời. Trong những năm qua, ông không ngừng đóng góp cho công tác phúc lợi xã hội tại địa phương: Năm 2024, ông hỗ trợ 500kg gạo trị giá 6 triệu đồng cho các hộ nghèo, vận động thêm 25 triệu đồng để giúp nông dân khó khăn; đồng thời vận động người dân và mạnh thường quân xây dựng 2km đường bê tông tuyến Rạch Chùa, trị giá 125 triệu đồng.

Năm 2025, ông tiếp tục vận động xây dựng hơn 10km đường nông thôn nối từ cầu Cam My đến cầu Rạch Ranh, khu vực Thới Hòa A; cùng với đó là xây 3 cây cầu Hy Vọng, nâng cấp đường dẫn cầu Ba Rích và cầu Cam My, với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng, phần lớn do ông đứng ra kêu gọi Nhân dân và mạnh thường quân chung tay đóng góp.

“Tôi mong muốn góp một phần nhỏ bé trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Cuộc sống càng có ý nghĩa, xã hội càng tốt đẹp hơn khi mọi người phát huy được lòng “Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình” theo lời Bác Hồ đã dạy”, ông chia sẻ.

Trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ UBND TP. Cần Thơ, ông cho biết:  Trong thực tế, có rất nhiều tấm gương các vị chức sắc, tín đồ các tôn giáo được tín nhiệm, tin tưởng, tôn trọng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Các vị gắn bó, vận động đồng bào đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.

 "Như ông Tám Bi, không chỉ là người nông dân giỏi mà ông còn là biểu tượng sống động cho tinh thần "Đạo đời hòa quyện". Những đóng góp thầm lặng của ông là minh chứng: Khi một người sống với tâm lành và trái tim yêu thương, họ có thể tạo ra những thay đổi tích cực, không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khởi nêu ví dụ.  

Tin cùng chuyên mục
Vị sư Khmer và hành trình “thắp sáng” quê nghèo

Vị sư Khmer và hành trình “thắp sáng” quê nghèo

Tại xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (nay là xã Định Hoà, tỉnh An Giang), nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, những năm gần đây đời sống của đồng bào đang từng ngày “thay da đổi thịt” với nhiều cây cầu mới, những mái nhà kiên cố mọc lên giữa xóm nghèo. Góp phần tạo nên sự chuyển mình ấy là công lao thầm lặng nhưng to lớn của nhiều người dân và các chức sắc tôn giáo, trong đó nổi bật là Đại đức Trương Văn Tuấn, Phó Ban Trị sự chùa Tổng Quản (Wattsarây - Sunđây) một nhà sư tận tâm với đạo pháp, gần gũi với Nhân dân, luôn đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện, giúp đời.