Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Vị sư Khmer và hành trình “thắp sáng” quê nghèo

Như Tâm - 14:31, 22/07/2025

Tại xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (nay là xã Định Hoà, tỉnh An Giang), nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, những năm gần đây đời sống của đồng bào đang từng ngày “thay da đổi thịt” với nhiều cây cầu mới, những mái nhà kiên cố mọc lên giữa xóm nghèo. Góp phần tạo nên sự chuyển mình ấy là công lao thầm lặng nhưng to lớn của nhiều người dân và các chức sắc tôn giáo, trong đó nổi bật là Đại đức Trương Văn Tuấn, Phó Ban Trị sự chùa Tổng Quản (Wattsarây - Sunđây) một nhà sư tận tâm với đạo pháp, gần gũi với Nhân dân, luôn đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện, giúp đời.

Đại đức Trương Văn Tuấn cùng các Phật tử bên những nông cụ do chính Đại đức sưu tầm
Đại đức Trương Văn Tuấn cùng các Phật tử bên những nông cụ do chính Đại đức sưu tầm

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo tại chính vùng đất xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (nay là xã Định Hoà, tỉnh An Giang), Đại đức Trương Văn Tuấn thấu hiểu những khó khăn của bà con nơi đây. Thủa thiếu thời, con đường đến trường của sư và bạn bè gập ghềnh lầy lội, thiếu điện, thiếu cầu, nhiều em phải bỏ học giữa chừng. Sau khi xuất gia, được bà con Phật tử yêu quý và tin tưởng, Đại đức Tuấn luôn tâm niệm phải làm điều gì đó thiết thực giúp phum sóc quê mình vơi bớt khó khăn, để trẻ em được học hành, người già được an dưỡng, những mái nhà không còn dột nát. Từ tâm nguyện đó, sư đã không ngừng vận động, kết nối các mạnh thường quân, Phật tử gần xa, cùng chung tay thực hiện nhiều hoạt động an sinh ý nghĩa.

Bằng uy tín và sự chân thành, Đại đức Trương Văn Tuấn đã thuyết phục được đông đảo Phật tử đóng góp, dù chỉ vài chục ngàn đồng, để góp lại thành những công trình lớn. Trong 5 năm qua, nhờ sự vận động của sư, phum sóc Thới Quản đã có 30 căn nhà tình thương được xây dựng và 6 cây cầu kiên cố được dựng lên, thay thế những cây cầu khỉ mong manh, giúp việc đi lại, học hành của người dân thuận tiện, an toàn hơn.

Chúng tôi có dịp cùng Đại đức đến thăm nhà ông Danh Đen - một hộ gia đình người Khmer gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Ông chia sẻ: “Tôi được chính quyền hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà theo Chương trình xóa nhà tạm. Lúc được chọn, tôi mừng lắm. Nhưng rồi nghĩ đến cảnh sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, lại phải chăm con gái mắc bệnh tâm thần, tôi lo không kham nổi. May có sư Tuấn vận động thêm được 20 triệu đồng cùng ngày công giúp đỡ, tôi mới có được căn nhà như thế này.”

Đại đức Trương Văn Tuấn luôn tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội. Đại đức đã phối hợp với các mạnh thường quân và Mặt trận Tổ quốc xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ người nghèo, người già neo đơn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương”.


Ông Ngô Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Định Hoà, tỉnh An Giang

Không chỉ vậy, Đại đức còn xây tặng gia đình một nhà vệ sinh, nằm ngay trong nhà, rất thuận tiện cho việc sinh hoạt và tắm gội của con gái.

Vào những ngày rằm, ngày 30 hằng tháng, sư Tuấn tranh thủ thông báo tại chùa về các hoàn cảnh khó khăn đang cần được giúp đỡ. Khi nhà mới được xây xong, nhiều hộ dân còn quay lại cúng dường, góp phần tái tạo nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ những trường hợp khác.

Không dừng lại ở đó, sư còn đều đặn đến từng nhà thăm hỏi đời sống bà con. Nhà nào không có tiền chữa bệnh, sư hỗ trợ viện phí; trẻ em thiếu sách vở, sư tặng tập viết, bút mực vào đầu năm học. Những hành động nhỏ nhưng đậm nghĩa tình ấy đã góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, xây dựng cộng đồng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.

Không chỉ là người làm từ thiện, Đại đức Trương Văn Tuấn còn là một người tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa Khmer. Mỗi dịp hè, chùa Tổng Quản lại tổ chức lớp học chữ Khmer miễn phí cho các em nhỏ. Ngoài việc học, các em còn được vui chơi, tìm hiểu về truyền thống, phong tục của dân tộc qua các trò chơi dân gian, nghi lễ tại chùa.

Bản thân Đại đức cũng không ngừng học hỏi. Đại đức đã nhiều lần đến các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống để tìm hiểu, sưu tầm các loại nông cụ, vật dụng truyền thống của đồng bào để phục chế, lưu giữ tại chùa như một "bảo tàng nhỏ" về đời sống văn hóa Khmer. Đây là cách để gìn giữ ký ức dân tộc, truyền lại cho thế hệ mai sau. Ghi nhận những đóng góp thiết thực và bền bỉ của Đại đức Trương Văn Tuấn, chính quyền địa phương đã trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen và biểu dương công đức.

Cây cầu nông thôn ở ấp Thu Đông, xã Thới Quản, huyện Gò Qua, tỉnh Kiên Giang (nay là xã Định Hoà, tỉnh An Giang) được Đại đức Trương Văn Tuấn đứng ra vận động gần 250 triệu đồng tiền mặt và 300 ngày công do phật tử đóng góp)
Cây cầu nông thôn ở ấp Thu Đông, xã Thới Quản, huyện Gò Qua, tỉnh Kiên Giang (nay là xã Định Hoà, tỉnh An Giang) được Đại đức Trương Văn Tuấn đứng ra vận động gần 250 triệu đồng tiền mặt và 300 ngày công do phật tử đóng góp)

Ông Ngô Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Định Hoà, tỉnh An Giang cho biết: “Đại đức Trương Văn Tuấn luôn tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội. Đại đức đã phối hợp với các mạnh thường quân và Mặt trận Tổ quốc xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ người nghèo, người già neo đơn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương”.

Sự hiện diện của những vị sư như Đại đức Tuấn chính là minh chứng rõ nét cho sự gắn bó bền chặt giữa đạo và đời, giữa Phật giáo Nam tông và đồng bào Khmer. Những việc làm của sư không chỉ giúp thay đổi diện mạo phum sóc mà còn lan tỏa tinh thần từ bi, nhân ái đúng như triết lý "Phật giáo đồng hành cùng dân tộc".

Trong xã hội ngày càng phát triển, những tấm gương sống vì cộng đồng như Đại đức Trương Văn Tuấn thật đáng quý. Với chiếc áo cà sa giản dị, nụ cười hiền hòa, sư luôn lặng lẽ đi đầu trong những việc nghĩa tình trong phum sóc, không màng danh lợi, chỉ mong bà con mình no ấm, con cháu được học hành và quê hương ngày càng khởi sắc.

Phum sóc quanh chùa Tổng Quản hôm nay đã có nhiều đổi thay. Nhưng trong lòng người dân nơi đây, có một điều ko thay đổi đó là hình ảnh vị sư tận tụy vẫn luôn đồng hành cùng đồng bào nơi đây, như một biểu tượng đẹp cho lòng nhân ái, sự sẻ chia và tinh thần đoàn kết của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Người Gia Rai đầu tiên viết báo cách mạng

Người Gia Rai đầu tiên viết báo cách mạng

Ông Ksor Ní (tên thường gọi là Ama H’Nhan) là một trong những trí thức đầu tiên người Gia Rai đi theo cách mạng. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách, trong đó có cương vị Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Gia Lai sau ngày đất nước thống nhất. Ông cũng là thân sinh của ông Ksor Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.