Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Áo chàm nhớ thuở chiến khu

Cao Xuân Thái - 07:34, 03/09/2024

Nếu so sánh với vùng An toàn khu Định Hoá (Thái Nguyên), Tân Trào (Tuyên Quang), Pắc Bó (Cao Bằng)… thì Tiểu khu Trọng Con khiêm tốn hơn, sức ảnh hưởng cũng vừa phải, nhưng lại có ý nghĩa to lớn, thể hiện đường lối cách mạng, quyết tâm của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đất nước đã đến được với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh TL
Toàn cảnh Khu di tích lịch sử xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh TL

Tiểu khu Trọng Con là khu căn cứ cách mạng thuộc địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tiểu khu Trọng Con gồm 9 xã: Vô Điếm, Kim Ngọc, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Bằng Hành, Thượng Bình, Liên Hiệp, Hữu Sản, Đức Xuân.

Trong đó, xã Bằng Hành được coi là trung tâm của cả vùng, có lúc đồng bào gọi là Tổng Bằng Hành hoặc Tiểu khu Lý Tự Trọng. Đây là vùng quê trù phú, là vựa thóc của huyện Bắc Quang và của cả tỉnh Hà Giang với 4.000km², gần 30.000 nhân khẩu, có 16 dân tộc anh em, đông nhất là 2 dân tộc: Tày và Dao…

Tiểu khu Trọng Con có địa hình bán sơn địa, nửa trung du và nửa miền núi. Những dải đồi thoai thoải hình bát úp, rừng keo, rừng mỡ, rừng vầu, rừng nứa đan xen xanh tốt, tầng cao hơn là rừng nguyên sinh trải dài hút chân trời, đồng ruộng bằng phẳng ngút ngát. Đúng là "Trọng Con gạo trắng nước trong", nơi đây có nguồn nước chủ động nên lúa, ngô năng suất. Bóng cọ, nếp nhà sàn, áo chàm, máng lần… là những nét đặc trưng, thân thương nhất của vùng Tiểu khu cách mạng.

Xe chúng tôi chạy thẳng vào trung tâm xã Bằng Hành lúc trời đã ngả sang chiều, cái nắng vẫn còn gay gắt. Thác Vệ - cây cầu cứng vững chắc nối sang bờ phía Đông, dòng suối trong xanh chảy qua xã đổ ra sông Lô với những hòn cuội trắng lấp lánh. Ở đầu cầu bên này có bụi tre gai toả bóng râm, lá đã ngả vàng bay lả tả trong gió. Tiếng cối giã gạo nước thì thụp, tiếng cọn nước miệt mài chuyển nước lên đồng rì rầm, kẽo kẹt đều đều… Ở đây dòng nước không sâu lắm, có bóng râm của hàng cây cơi già, thật lý tưởng cho trẻ em tắm giặt, mò cua, bắt cá.

Nhà truyền thống cách mạng Tiểu khu Trọng Con toạ lạc trên một quả đồi cao, mặt quay về hướng Đông phía cây cầu Thác Vệ, quy mô vừa phải, thoáng mát và trang nghiêm. Tôi bật lửa, thắp hương thành kính tưởng nhớ đến các Anh hùng, chiến sĩ cách mạng, những người dân áo chàm chân đất đã nhen nhóm “ngọn lửa” cách mạng đầu tiên giữa đại ngàn mênh mông ở vùng biên giới xa xăm cực Bắc Tổ quốc, với bao nhiêu gian lao, thiếu thốn, nhọc nhằn và nguy hiểm… Để có một ngày cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm thiêng liêng bay đỏ trời, rợp đất, chế độ thực dân phong kiến sụp đổ, một kỷ nguyên mới bắt đầu… Ngọn lửa cách mạng ấy cùng với ngọn lửa căn cứ Đường Thượng, Thái An, Nghĩa Thuận… góp phần rất quan trọng giải phóng hoàn toàn tỉnh Hà Giang, chấm dứt 100 năm cai trị của chế độ thực dân.

Dòng sông Lô vẫn miệt mài về xuôi, dòng suối Thác Vệ còn đó, hòn đá thề vẫn đây… Tất cả đã đi vào lịch sử thành niềm tự hào thiêng liêng của vùng đất.

Cơ sở hạ tầng xã Bằng Hành được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Cầu Thác Vệ, xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh TL)
Cơ sở hạ tầng xã Bằng Hành được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Cầu Thác Vệ, xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh TL)

Đến nay, nhiều người dân của xã Bằng Hành vẫn nhớ như in cuộc mít tinh lịch sử ngày 24/6/1945 ở chỗ hòn đá thề, đầu cầu Thác Vệ, thể hiện sức mạnh của Nhân dân Tiểu khu, biểu dương, ủng hộ cách mạng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, chứng kiến sự ra mắt của Ủy ban Cách mạng lâm thời Tổng Bằng Hành. Cũng tại buổi mít tinh này, đồng bào các dân tộc địa phương đã chứng kiến việc đốt bằng sắc, ấn triện của bọn địa chủ cường hào, đánh dấu một trang sử mới trong việc xoá bỏ chế độ phong kiến, thực dân đã tồn tại lâu dài như một thứ ung nhọt trong đời sống của đồng bào ta.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 01/6/1945 đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy Đội Vũ trang tuyên truyền gồm 54 chiến sĩ xuất phát từ Cao Bằng đã về đến Tổng Bằng Hành. Để đảm bảo bí mật an toàn, các đồng chí trong Ban Chỉ huy chia thành từng nhóm đi tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng. Sau gần một tháng hoạt động, Đội Vũ trang tuyên truyền đã mở được nhiều lớp đào tạo cán bộ ngắn ngày, thành lập ra các đội du kích, tự vệ và các đoàn thể cứu quốc. Phong trào cách mạng lớn mạnh từng ngày…

Xuôi ngược mãi trên những nẻo đường chiến khu, chiều tắt nắng lúc nào không hay, ngôi sao hôm óng ánh trên đỉnh Khau Vìn xa xăm, chân mây dâng lên một màu tím da diết… Chúng tôi trở ra huyện Bắc Quang mang theo hình ảnh vùng đất chiến khu đang từng ngày đổi mới, phát triển, đời sống bà con đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no hạnh phúc. Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm chăm lo chu đáo, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững… xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng qua gần một thế kỷ.