Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Di tích Chiến khu Đồng Bò xuống cấp nghiêm trọng

Tiếng Dân - 18:00, 25/03/2022

Chiến khu Đồng Bò (còn gọi là Mật khu Đá Hang) là căn cứ địa cách mạng, nơi diễn ra những trận chiến khốc liệt của quân, dân tỉnh Khánh Hòa qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Với mục đích đưa vùng đất này thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để tôn tạo nhiều hạng mục của di tích. Tuy nhiên, hiện nay, khu di tích này đang dần trở thành hoang phế, khiến dư luận bức xúc.

Nhiều hạng mục của di tích Đồng bò bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm
Nhiều hạng mục của di tích Đồng bò bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm

Đầu tư rồi lại... bỏ hoang

Chiến khu Đồng Bò cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 10km về hướng Đông Nam. Xung quanh được bao bọc bởi dãy núi Đồng Bò, có hình vòng cung kéo dài từ vịnh Nha Trang đến huyện Diên Khánh, rồi xuôi xuống TP. Cam Ranh. Nơi đây địa thế kín đáo, có nhiều hang gộp ẩn sâu trong những cánh rừng nguyên sinh. Từ cuối năm 1945 đến năm 1975, nơi đây là căn cứ kháng chiến của quân, dân Khánh Hòa.

Ông Phạm Minh Thành, một cựu chiến binh ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), là người đã từng có những ngày tháng gắn bó với chiến khu Đồng Bò, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cho biết: Trong mắt kẻ thù, chúng coi căn cứ Đồng Bò như cái gai trước mắt. Chính vì thế, chúng đã tìm mọi cách để xóa sổ chiến khu này. Nhưng quân, dân ta ở chiến khu Đồng Bò vẫn trụ vững, đây vẫn là nơi rút về trú ẩn an toàn và củng cố lực lượng của ta.

Có thể khẳng định, những giá trị lịch sử cách mạng của chiến khu Đồng Bò, để lại là vô cùng quý giá và cần được gìn giữ, tôn trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở khu di tích này thì hoàn toàn ngược lại. Khung cảnh hoang tàn, đổ nát và dần trở thành phế tích.

Được biết, từ năm 2004, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có chủ trương đầu tư dự án, tái hiện căn cứ Đồng Bò, với mục tiêu xây dựng một “bảo tàng sống” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Theo đó, dự án sẽ xây dựng hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, nhà trưng bày, nhà làm việc, nhà tưởng niệm. Cùng với đó, xây dựng tái hiện các hang, sửa chữa các hang hiện có, phục chế các hiện vật trước đây, lắp đặt các mô hình chiến sĩ, dựng bia ghi tên các hang và ghi di tích chiến công của chiến sĩ...

Đến năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa cho thực hiện dự án di tích chiến khu Đồng Bò với nhiều hạng mục: Gộp Bệnh xá, đường đi, nhà dừng chân, khu nhà vệ sinh… Dự án do Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Tổng diện tích dự án là 25 héc-ta (ha), mức đầu tư hơn 11,2 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh Khánh Hòa. Đầu năm 2014, dự án đã hoàn thành, được Sở Tài chính phê duyệt quyết toán, với vốn đầu tư hơn 21,1 tỷ đồng.

Điều lạ là đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để đầu tư xây dựng, nhưng sau khi hoàn thành lại không có kinh phí để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Vì thế không bao lâu sau, di tích chiến khu Đồng Bò lại tiếp tục hoang phế.

Anh Nguyễn Văn Toàn, một người dân sống gần di tích bức xúc: Không hiểu sao một di tích có ý nghĩa lịch sử, được đầu tư nhiều tiền như vậy, lại bỏ hoang cả chục năm nay không ai ngó tới? Con đường dài khoảng 5km đi vào di tích được đầu tư, xây dựng trước đây, nay cỏ dại mọc um tùm và đang trên đà xuống cấp. Các hạng mục nhà dừng chân, khu nhà vệ sinh không bóng người quản lý, bỏ hoang trông rất phản cảm.

Gộp Bệnh xá trong hang sâu thuộc di tích lịch sử căn cứ Đồng Bò trở nên hoang phế
Gộp Bệnh xá trong hang sâu thuộc di tích lịch sử căn cứ Đồng Bò trở nên hoang phế

Sớm có giải pháp bảo vệ và tôn trọng di tích

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhằm khai thác, phát huy giá trị dự án, từ năm 2014, BCHQS tỉnh Khánh Hòa, đã đề xuất việc liên kết với doanh nghiệp và đã được UBND tỉnh đồng ý. Trên cơ sở đó, tháng 4/2015, BCHQS tỉnh đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Hải Đăng để mở rộng đầu tư, khai thác, phát huy giá trị dự án. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích lịch sử căn cứ Đồng Bò vẫn không được cải thiện.

Trước tình trạng trên, tháng 8/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các sở, ngành rà soát lại dự án. Qua đó, các cơ quan chức năng nhận thấy, có quy định đơn vị quân đội không được đem tài sản nhà nước liên doanh, liên kết. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị, giao dự án này cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở VH&TT) thực hiện việc quản lý, khai thác. 

Theo đó, ngày 1/10/2018, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo BCHQS tỉnh lập hồ sơ trình cơ quan quản lý cấp trên, đề nghị Bộ Tài chính ra quyết định điều chuyển tài sản thuộc dự án Tái hiện căn cứ Đồng Bò theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Khánh Hòa, cho biết:Theo quy định, di tích căn cứ Đồng Bò, phải được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở VH&TT tỉnh Khánh Hòa) quản lý. Bên cạnh đó, năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cũng tham mưu UBND tỉnh bàn giao toàn bộ di tích lịch sử căn cứ Đồng Bò cho Sở VH&TT Khánh Hòa.

Tuy nhiên, theo ông Hà, đến nay việc xác định trong 25ha đất di tích lịch sử căn cứ Đồng Bò, thì có khoảng hơn 8ha đất liên quan đến quốc phòng. Do đó, các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh làm rõ, xác định ranh, mốc rõ ràng, sau đó sẽ tổ chức chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích quản lý.

Trong khi chờ đợi các đơn vị liên quan giải quyết những bất cập, thì chiến khu Đồng Bò tiếp tục bị hoang phế. Mong rằng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để di tích lịch sử này được trở về đúng đúng giá trị của nó.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.