Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Một lòng vì Ba Lòng

Thanh Hải - 15:39, 23/12/2021

Ba Lòng - địa danh nơi miền Tây huyện Đakrông (Quảng Trị) từng là chiến khu cách mạng, một Ba Lòng từng đói khổ và nghèo nàn, một Ba Lòng tách biệt và cô lập… Nay Ba Lòng đang ngày một đổi thay, bởi nhiều tấm lòng cùng hướng về nơi ấy, để trao gửi tin yêu.

Những cánh đồng đậu xanh ở Ba Lòng hôm nay
Những cánh đồng đậu xanh rộng lớn đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân ở Ba Lòng

“Phố rừng kháng chiến”

Nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, Ba Lòng là một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi cao hiểm trở, cao nhất là đỉnh núi Tà Lao. Năm 1947, khi thực dân Pháp chiếm được toàn bộ thị xã, thị trấn tỉnh này; Tỉnh ủy Quảng Trị đã quyết định rút toàn bộ lực lượng vào Ba Lòng.

Địa thế hiểm trở đã khiến Ba Lòng có vị thế đặc biệt. Việc giao lưu, liên lạc của lực lượng kháng chiến Quảng Trị với các tỉnh bạn khá thuận lợi. Từ Ba Lòng tỏa đi khắp các vùng trong tỉnh, nối dài với chiến khu Dương Hòa của Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Nam; cũng như từ đây, đi ra phía Tây Quảng Bình và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh được an toàn, và dễ dàng đến biên giới Việt Lào. Ðịa hình Ba Lòng bảo đảm các điều kiện để xây dựng một căn cứ kháng chiến, phù hợp với chiến tranh du kích của ta, nhưng lại gây khó khăn cho địch khi chúng tấn công.

Chiến khu Ba Lòng ra đời, trở thành nơi đóng trụ sở hoạt động của bộ đội chủ lực, cơ quan Đảng, Ủy ban Hành chính kháng chiến, đoàn thể, quân dân bào chế và các công xưởng… Chiến khu là trung tâm lãnh đạo kháng chiến. Từ đây phát đi những đường lối của tỉnh, truyền đạt lại cho các cán bộ đảng viên và quần chúng những mệnh lệnh và chỉ thị của Trung ương. Nhưng nơi chiến khu này, thời ấy cũng tựa như một "phố rừng kháng chiến".

Một màu xanh tươi tốt ở Ba Lòng thể hiện sự ấm no. (Trong ảnh: Người dân Ba Lòng thu hái đậu)
Một màu xanh tươi tốt ở Ba Lòng thể hiện sự ấm no. (Trong ảnh: Người dân Ba Lòng thu hái đậu)

 Nhiều dụng cụ lao động sản xuất từ chiến khu được đưa về các địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất. Ngành thương nghiệp cũng phát triển mạnh. Vùng đá nổi ở Ba Lòng, trở thành điểm buôn bán tấp nập giữa Nhân dân chiến khu và vùng Triệu Hải, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Cái miền rừng heo hút ấy, những năm tháng quê hương binh lửa đã thành đất "tụ nghĩa", nuôi dưỡng những đoàn quân từ đấy tiến về đồng bằng, giải phóng những đô thị làng mạc.

Thật tự hào khi ở “phố rừng kháng chiến” Ba Lòng, đã trở thành trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các liên khu trên hành trình ra Bắc vào Nam; thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến và Nhân dân Quảng Trị thực hiện trường kỳ kháng Pháp.

Không ai nghĩ sau mưa lũ điểm chính trường Tiểu học và THCS Ba Lòng lại trở nên khang trang đến vậy
Nhiều trái tim hướng về Ba Lòng nên sau mưa lũ điểm chính trường Tiểu học và THCS Ba Lòng lại trở nên khang trang.

Hồi sinh Ba Lòng

Sau những năm chiến tranh, kéo dài đến hết thập niên 90 của thế kỷ trước, Ba Lòng - nơi quần cư của đồng bào Bru Vân Kiều vẫn luẩn quẩn với đói nghèo. Ngày ấy, để lên với Ba Lòng, từ thị trấn Krông Klang của huyện Đakrông, vẫn phải đi bằng hai con đường là men theo sông Ba Lòng hay đi đò từ Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) mà lên. Nhưng cũng phải ròng rã cả ngày đường mới thấy đất và người Ba Lòng…

Ba Lòng không thể nghèo! Đó là mệnh lệnh, là yêu cầu, cũng là sự tri ân với vùng chiến khu mà toàn tỉnh Quảng Trị nói chung, lãnh đạo huyện Đakrông nói riêng xác định trong những năm qua. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tâm sự: Để mảnh đất này thực sự có cơ hội vươn lên, cán bộ được lựa chọn, họ đã đem trong mình một tấm lòng lên với Ba Lòng mà quyết tâm lớn nhất là bám dân và tìm cách thoát nghèo cho vùng đất ấy.

Trong câu chuyện vội vàng với ông Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu, chúng tôi đã hiểu hơn về một quyết tâm đồng lòng, đồng sức hướng về Ba Lòng. Huyện đã chọn những công việc, dự án ưu tiên hàng đầu để thực hiện. Đầu tiên là đường, với sự kêu gọi và ưu tiên vốn đầu tư, gần 20km đã được trải nhựa hanh thông, chấm dứt việc gò lưng đạp xe trên những con đường đá hộc hay ngược sông, ngược ghềnh mà lên. Cùng với con đường, điện lưới quốc gia cũng đã được kéo vào tận xã. 

Ông Hồ Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng bộc bạch: Tất cả phải một lòng mới có Ba Lòng ngày hôm nay đấy. Dân và cán bộ một lòng thì đất này mới nhanh chóng hồi sinh được.

Bức ảnh ám ảnh về trận lũ cuối năm 2020
Bức ảnh ám ảnh về trận lũ cuối năm 2020

Những hồi sinh như lời ông Hoàng nói, thật đáng mừng. Sau thời cầm tay chỉ việc, làm cho dân hiểu, nói cho dân rõ để dân tin theo, tỷ lệ hộ nghèo ở Ba Lòng giảm nhanh, chỉ còn hơn 10%. Nay, 10/10 thôn của xã được công nhận làng văn hóa. Trong Bộ tiêu chí NTM, xã đã đạt 11/19 tiêu chí. Trạm xá và các trường học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ba Lòng là xã duy nhất của huyện Đakrông đạt chuẩn về phổ cập giáo dục trung học. Đầu năm 2020, Ba Lòng đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 của Chính phủ, chính thức ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn.

Đến với Ba Lòng ngày nay, từ vùng đất một thời gian ngắn trước được coi là tự cung, tự cấp, thì nay đã nổi lên với những điểm sáng tự hào. Toàn xã Ba Lòng hiện có 314ha lạc, 292ha đậu đỗ, gần 90ha ngô với tổng sản lượng khoảng 365 tấn/năm. Chính quyền xã đang kêu gọi nông dân chuyển đổi nhiều diện tích kém hiệu qu, sang trồng các loại cây hoa màu cho chất lượng cao. Đồng thời, bám sát hai thế mạnh của vùng đất là trồng trọt và chăn nuôi.

Quãng sông ở Ba Lòng
Sông ở Ba Lòng những ngày bình yên

Nhiều trái tim vẫn đang cùng hướng về Ba Lòng. Nhiều người cứ mãi ám ảnh trận lũ tháng 10/2020, khi chiếc cổng Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng cao gần 6m như bị chìm trong nước. Sau lũ, những nhóm thiện nguyện từ nhiều nơi đã về hỗ trợ cho Nhân dân Quảng Trị. Đại diện tập đoàn sơn PPG (Pittsburgh Plate Glass - Mỹ), khi đến Ba Lòng hỗ trợ cho thầy và trò sau lũ, đã quyết định kết nối đến dự án “Sắc màu cộng đồng” để sơn lại tất cả các phòng học của cụm trường Ba Lòng. Tất nhiên không chỉ là chuyện phủ lên ngôi trường cũ một màu sơn mới, đó còn là việc chuyển tải thông điệp nhân văn vì cộng đồng.

Chủ tịch UBND huyện Đakrông, ông Thái Ngọc Châu không nén nỗi xúc động: Đó không chỉ là việc bảo đảm cơ sở vật chất cho chuyện dạy và học, mà còn góp phần động viên học sinh đến lớp, ngôi trường đẹp và thân thiện sẽ tạo tâm lý khiến học sinh thích đi học hơn, giảm tỷ lệ bỏ học. Đại diện PPG còn kết nối với các doanh nghiệp để tài trợ cho trường Ba Lòng thay mới 2.000m2 tôn đã gỉ sét, thấm dột. Những ân tình đó sao có thể nào quên.

Trên con đường ra phố huyện Krông Klang khi chiều muộn, chúng tôi hình dung đến những đổi thay của Ba Lòng một ngày không xa. Tất cả có được, bắt nguồn từ nhiều trái tim, nhiều tấm lòng cùng hướng về nơi ấy, để trao gửi tin yêu.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Như một cái duyên, tôi trở lại xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị) đúng vào dịp lễ A Riêu Piing đang diễn ra. Sau bao năm gần như bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại, lễ hội A Riêu Piing ở A Bung tiếp tục được tổ chức vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Pa Cô (dân tộc Tà Ôi), đặc biệt là âm thanh vang vọng, rộn rã của tiếng cồng, tiếng chiêng- điểm nhấn quan trọng trong lễ hội A Riêu Piing.