Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Áo dài Huế được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia

Minh Thu - 09:10, 24/11/2024

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu cao quý “Tri thức may, mặc áo dài Huế”.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đón nhận Danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế” từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đón nhận Danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế” từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.

Tại buổi lễ, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu về lịch sử áo dài. Theo ông Hải, áo ngũ thân, tiền thân của áo dài Việt Nam hiện đại vốn ra đời ở Đàng Trong, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Đây là kết quả của sự sáng tạo của cư dân Việt trên con đường Nam tiến, mở rộng cương thổ đất nước về phía Nam.

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của Áo dài trong cuộc sống đương đại. Đồng thời, đề xuất lãnh đạo tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc Áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".


Ông Phan Thanh HảiGiám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ năm 1744, vị chúa Nguyễn đời thứ 8 ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định chọn loại trang phục này làm thường phục cho toàn thể Nhân dân Đàng Trong (từ sông Gianh Quảng Bình đến hết vùng đất miền Nam hiện nay). Đến đầu thế kỷ XIX, trong thời kỳ đất nước thống nhất, Hoàng đế Minh Mạng lại tiếp tục chọn áo Ngũ thân làm trang phục chung cho toàn thể Nhân dân Việt Nam. 

Trong khoảng thời gian từ 1837 - 1945, áo Ngũ thân rất phổ biến ở cả hai miền Nam Bắc, và được xem là Quốc phục của người Việt và được xem là trang phục trang trọng, kín đáo, mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn, phù hợp với vóc dáng hình thể cũng như tâm tư tình cảm của người Việt.

Trải qua chiều dài lịch sử hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ Huế đã tích lũy nhiều Tri thức may, mặc áo dài, được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội. Bước vào thời kỳ hiện đại, áo dài Huế vẫn được nhiều đối tượng sử dụng, phổ biến nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, lớp người trung niên, cao niên, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, chợ...

 Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.

Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh việc gìn giữ và phục hưng áo dài truyền thống (bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa thiên Huế nỗ lực nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” với nhiều nội dung phong phú. 

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định phê duyệt đề án, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài. 

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Thiết kế, may đo Áo dài vừa là một ngành nghề thủ công lại vừa là một ngành thiết kế sáng tạo đặc biệt, tạo nên những sản phẩm ấn tượng, có tính phổ biến rất cao… Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Ở Cố đô Huế, áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ hội và cả trong đời thường (Ảnh minh họa).
Ở Cố đô Huế, áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ hội và cả trong đời thường (Ảnh minh họa).

Theo ông Phan Thanh Hải, Với Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với “Tri thức may, mặc áo dài Huế”, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước có di sản Áo dài được vinh danh.

 Đây là di sản chung của cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị. Ngành Văn hóa và Thể thao đang quyết tâm phối hợp với các ban ngành, đặc biệt là cộng đồng người dân Huế, gìn giữ phát huy tốt hơn di sản này. Biến di sản trở thành nguồn lực cho sự phát triển.

 Trong định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Huế, áo dài sẽ là sản phẩm tiêu biểu của Huế. Đây sẽ là sản phẩm chủ lực để phát triển nhanh và bền vững đúng theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, nhất là trước thềm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 2025. 

"Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của Áo dài trong cuộc sống đương đại. Đồng thời, đề xuất lãnh đạo tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc Áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại",  ông Phan Thanh Hải khẳng định.

Ở Cố đô Huế, áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ hội và cả trong đời thường. Huế tự hào là địa phương đầu tiên của Việt Nam tổ chức một lễ hội để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài. Lần đầu tiên Lễ hội áo dài được tổ chức trong kỳ Festival Huế 2002. 

Từ đó đến nay, liên tục và đều đặn các lễ hội áo dài được tổ chức không chỉ trong các kỳ festival. Áo dài Huế là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch. 

Từ nhiều năm qua, cùng với việc miễn phí vé cho du khách mặc áo dài vào tham quan Hoàng cung và các khu di tích, Huế đã phát triển các điểm cho thuê áo dài với nhiều loại hình phong phú... Áo dài cũng trở thành sản phẩm du khách may trong ngày để có chiếc áo dài Huế ưng ý, hoặc món quà lưu niệm mua về tặng bạn bè, người thân.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều hoạt động tôn vinh di sản tại Phố cổ Hà Nội

Nhiều hoạt động tôn vinh di sản tại Phố cổ Hà Nội

Kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, UBND quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp các đơn vị, cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật để tôn vinh những giá trị di sản. Các hoạt động diễn ra từ nay đến đầu tháng 12/2024, tại nhiều không gian khác nhau trong khu phố cổ.