Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Từ hội họa đến nghệ thuật áo dài

Giang Lam - 20:12, 07/06/2024

Theo dòng chảy hiện đại, người trẻ thường dễ cuốn theo những điều mới mẻ, tân tiến. Thế nhưng đối với nữ họa sĩ người Tày Vi Việt Nga, cội nguồn trong mỗi nét vẽ từ tranh truyền thống mới thực sự làm chị tìm được nguồn năng lượng. Từ đam mê sáng tác tranh khắc gỗ, chị bước sang một hành trình mới là quảng bá tác phẩm của mình trên những tà áo dài truyền thống, mang đến hiệu ứng nghệ thuật tích cực trong lòng công chúng.

Họa sĩ Vi Việt Nga bên bộ sưu tập áo dài mang tên Bản sắc Việt
Họa sĩ Vi Việt Nga bên bộ sưu tập áo dài mang tên Bản sắc Việt

Lựa chọn dòng tranh “khó nhằn”

Họa sĩ Vi Việt Nga sinh ra, lớn lên ở một bản làng người Tày tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, chị đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngay từ nhỏ, chị đã sớm thể hiện niềm đam mê nghệ thuật hội họa với nhiều bức tranh vẽ phong cảnh thiên nhiên, con người miền núi.

Suốt từ tháng năm sinh viên đến nay, chị đều theo đuổi dòng tranh khắc gỗ truyền thống. Dù chung thủy với một đề tài nhưng chị không lặp lại sự nhàm chán mà mỗi bức tranh đều đậm chất riêng, được thể hiện bằng hơi thở nguồn cội, niềm tự hào của dân tộc.

Trước sau, Vi Việt Nga vẫn luôn trung thành với quan niệm nghệ thuật luôn bắt nguồn từ đời sống. Đó là những nét phong tục, tập quán của người Tày, người Dao, Mông ở giữa một vùng núi non Việt Bắc hùng vĩ.

Trước tác phẩm của Vi Việt Nga, người xem có thể say mê đứng hàng giờ mà ngắm, mà liên tưởng, mà bình... Tranh của chị toát lên tình cảm đối với nhân vật. Sự tỉ mẩn, cách tạo hình đẹp cả về nét, hình khối màu sắc thật khiến người ta phải nể phục, trầm trồ. Chị bảo, quy trình sáng tạo tranh khắc gỗ là kết quả của một quá trình lao động công phu phức tạp. Khó khăn nhất khi thực hiện kỹ thuật khắc gỗ là đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ, cẩn thận sao cho các đường nét không bị hỏng.

Người thợ khéo tay sẽ tạo ra những đường nét thanh mảnh, duyên dáng, các chi tiết phức tạp, thể hiện được hồn cốt của tác phẩm. Sáng tạo tranh khắc gỗ thì không thể dễ dàng thay đổi từng nét vẽ như tranh sơn dầu. Và, có khi khắc gần xong một bức chân dung nhưng đến công đoạn cuối cùng, người họa sĩ khắc đôi mắt bị lệch là coi như phải bỏ luôn cả tác phẩm, không thể khắc phục được.

Tác phẩm tranh khắc gỗ của họa sĩ Vi Việt Nga
Tác phẩm tranh khắc gỗ của họa sĩ Vi Việt Nga

Nhiều người thắc mắc tại sao chị vẫn luôn thủy chung với dòng tranh “khó nhằn” này thì Vi Việt Nga lý giải giản đơn. Chị thích dòng tranh truyền thống, hơn nữa khắc gỗ giúp chị cảm thấy thỏa mãn nhất khi thể hiện tác phẩm miền núi, tiếng nói tâm tình đồng bào mình bằng nguyên liệu gần gũi, thân thương gắn với bản làng mình.

Thăng hoa cùng khắc gỗ

Xem tranh của họa sĩ Vi Việt Nga, người xem sẽ bắt gặp những phong cảnh miền núi thân thuộc và tha thiết đến mức có thể chạm được đến nỗi nhớ về quê hương. Trong không gian miền núi bình yên tươi đẹp, hình ảnh ngôi nhà sàn thấp thoáng hay những cô gái chăm chỉ dệt vải, một gia đình nhỏ ngập tràn niềm vui… Hay có thể là những buổi chợ phiên, đôi lứa hẹn hò bên triền núi, đôi bạn nhỏ đi học về, những người nông dân thu hoạch mùa vụ…

Những khoảnh khắc đời thường bước vào sáng tác của chị một cách tự nhiên, chân thực, giản đơn. Tất cả tựa như một bài thơ nhỏ xinh mà khi đọc ngay tựa đề ta cũng có thể thả hồn “chữa lành”, những xúc cảm an yên lần lượt ùa về…Như: “Quê em”, “Làm then”, “Chợ phiên”, “Tâm tình”…

Với chị, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là qua tranh, chị có thể nói lên tiếng nói của cuộc sống miền núi nơi đây, những suy tư, trăn trở của đồng bào mình, để được hiểu, được chia sẻ. Tranh của chị được ví như là thước phim hồi ký về quê hương, ghi chậm về sức sống kỳ diệu của đất và người miền núi... Đặc biệt, Vi Việt Nga còn có một con đường riêng quảng bá tác phẩm của mình. Đó là đưa hình ảnh tranh của mình in lên tà áo dài truyền thống. Chị học thêm Khoa Tạo dáng công nghiệp - chuyên ngành Thiết kế đồ họa của Viện Đại học mở Hà Nội. Năm 2017, Vi Việt Nga theo học lớp thiết kế áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Tranh khắc gỗ Quê em do họa sỹ Vi Việt Nga sáng tác.
Tranh khắc gỗ Quê em do họa sĩ Vi Việt Nga sáng tác

Ban đầu, điều khó khăn nhất với Vi Việt Nga là làm sao để giữ được màu sắc nguyên bản của tranh “Tôi đã phải nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều ngày để tính toán sao cho có được kết quả ưng ý nhất. Quan trọng là làm sao để màu sắc, các chi tiết của tranh được sắc nét, rõ ràng vì in lên vải rất khó. Nếu chất liệu vải không tốt sẽ khiến tranh bị mờ, nhòe. Vì thế, tôi đã chọn chất liệu vải cao cấp để các bức tranh được hiện lên sống động và vô cùng nghệ thuật” sang trọng và quý phái, với phương pháp cắt thiết kế hoàn toàn mới nhằm tôn phom dáng người phụ nữ Việt Nam và xử lý triệt để các khuyết điểm mà phương pháp cắt may thông thường để lại.

Năm 2019, chị mở triển lãm cá nhân với hàng chục tác phẩm tranh khắc gỗ và những bộ áo dài do chị thiết kế, được in tranh do chị sáng tác. Triển lãm mang tên “Bản sắc Việt” đã thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật biểu diễn.

Ngoài ra, nhiều năm nay chị liên tục tham gia nhiều show diễn áo dài trong nước. Tên tuổi của chị được giới thời trang yêu mến bởi sức sáng tạo, nét dịu dàng, nền nã riêng có của cô gái Tày Việt Bắc.

Với Vi Việt Nga, mỗi bức tranh là một câu chuyện bản làng mình, mỗi tà áo dài là một câu chuyện văn hóa. Suốt nhiều năm nay, chị cần mẫn, thủ thỉ kể những câu chuyện bình yên, đẹp đẽ như để tưới mát tâm hồn mỗi người với thông điệp: “Mỗi chúng ta hãy chậm cảm nhận những điều giản dị để yêu lấy khoảnh khắc đời thường, trân trọng những gì ta đang có”.