Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Ao ước cầu ngói "lên ngôi"...

Tiêu Dao - 19:57, 26/02/2023

Đã có nhiều kế hoạch, nhiều dự định để phát triển, thế nhưng đến bây giờ người dân Thủy Thanh vẫn nhìn vào nơi khác để mà ao ước về sự nở rộ cho du lịch xứ mình. Chỉ tiếc rằng, điều đó còn xa quá.

Cầu ngói này là báu vật tiền nhân để lại với những giá trị lịch sử quý giá
Cầu ngói này là báu vật tiền nhân để lại với những giá trị lịch sử quý giá

Ước mơ của người cầu ngói

Hoàng hôn xứ Huế dần phủ xuống cầu ngói Thanh Toàn (làng Thủy Thanh Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cái nắng cuối ngày chòng chành như không muốn dứt rời trên miền cố đô này. Sau mùa mưa Đông ẩm ướt và buồn hiu hắt của xứ Huế, dẫu nắng đã lên, nhưng nét buồn dường như vẫn cố hữu. Cái buồn nhẹ nhàng, buồn thanh thoát nhưng đầy da diết. Cầu ngói Thanh Toàn im ắng giữa cái buồn ấy ở mùa vắng khách.

Mà, có lẽ cầu ngói này mùa nào cũng vắng, chỉ trừ hàng tháng đôi lần khi tổ chức “Chợ quê ngày hội”, “Chợ đêm cầu ngói”, hoặc vào mỗi mùa Festival. Chỉ có vậy, ngày lại ngày họa hoằn có đôi ba đoàn khách đến thăm, vài khách lẻ để chụp ảnh Check-in và hết.

Ông Lê Nguyên Sửu, người hành nghề chèo thuyền cho khách du lịch quanh con kênh nơi cầu ngói bắc qua này đã cám cảnh gác mái chèo lên thuyền, ngồi trầm tư nhìn con nước lững lờ trôi. Với ông Sửu, hay với người dân Thủy Thanh này, cầu ngói Thanh Toàn là chốn lịch sử, là niềm tự hào, là địa điểm ý nghĩa mà mỗi người dân nơi đây đều tìm về, coi đó là nguồn cội của làng.

Qua tìm hiểu, ngôi làng này được thành lập vào cuối thế kỷ XVI. Thuở ấy, người dân trong làng đi làm đồng ở phía bên kia sông đều phải chèo thuyền, các hoạt động đi lại đều phải gắn liền với thuyền, đò nên khá vất vả và mất thời gian. Qua bao mùa mưa nắng, rét buốt, thấy dân làng đều phải vất vả để qua sông, bà Trần Thị Đạo - một người cháu gái của họ Trần (khoảng thế hệ thứ 6) đã công đức tiền cho làng, xây dựng nên chiếc cầu này. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử và chiến tranh, cũng như biết bao thiên tai đổ xuống, cây cầu này vẫn bền vững đến nay qua hơn 250 năm.

Cây cầu làm điểm dừng chân, hóng mát, gặp gỡ, chuyện trò… cho người dân trong làng, với vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc, cảnh quan hữu tình mang nét thôn quê bình dị
Cây cầu làm điểm dừng chân, hóng mát, gặp gỡ, chuyện trò… cho người dân trong làng, với vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc, cảnh quan hữu tình mang nét thôn quê bình dị

Đến năm 1990, cầu được công nhận là Di tích Quốc gia. Đây là một trong những di tích kiến trúc cổ chứa đựng vẻ đẹp xưa cũ, nhuốm màu thời gian, đồng thời còn là cây cầu có giá trị về nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những công trình nổi tiếng như Kinh thành Huế, lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ… cầu ngói Thanh Toàn cũng là một trong những công trình cổ. Cây cầu làm điểm dừng chân, hóng mát, gặp gỡ, chuyện trò… cho người dân trong làng, với vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc, cảnh quan hữu tình mang nét thôn quê bình dị.

Ông Sửu với niềm tự hào của người làng, giảng giải rằng, những cây câu có kiến trúc độc đáo như cầu ngói Thanh Toàn hiện nay không còn nhiều. Ở ngoài Bắc, nét kiến trúc này chỉ còn lại ở cầu Phú Khê, cầu Khúc Thoại. Miền Trung hiện còn chùa Cầu ở Hội An và cầu ngói Thanh Toàn. Những cây cầu này được xây theo lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), với hệ thống cột xà đều được làm theo kiểu xà kép. Xà ở phía dưới sẽ đi qua các mộng cột, phần xà phía trên sẽ được đặt trên các đầu cột.

 Về phần mái, cây cầu được các nghệ nhân chạm khắc rất tỷ mỉ, với chủ đề tứ linh với hình ảnh Long - Lân - Quy - Phụng. Chỉ lên mái ngói, ông Sửu khoe, trước kia trên phần mái được trang trí bằng một con Giao Long, nhưng sau này được thay bằng đôi phượng chầu trời ở giữa và hai đầu là hai hình rồng cách điệu.

Theo các tài liệu, cây cầu có tổng chiều dài là 16,85 mét, chiều rộng là 4,63 mét, được chia thành 7 gian như 7 phòng nhỏ của một ngôi nhà. Một bàn thờ được đặt ở chính giữa cây cầu để thờ phụng và tỏ lòng thành kính với những người đã có công xây dựng công trình này. Còn hai bên, mỗi bên 3 gian đều được làm các bục cao như những bộ bàn ghế trong nhà. Cây cầu này, trong niềm mơ ước của nhiều người vẫn luôn là niềm tự hào sánh ngang với chùa Cầu ở Hội An về sự độc đáo, về thiết kế, về bề dày lịch sử, về nhiều điều khác.

Nhưng với người Thủy Thanh, có một nỗi buồn khó tả, ấy là sự lép vế về độ nổi tiếng, sự hụt hẫng của người dân nơi đây về chuyện thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Mậu Hòa,  Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh tặc lưỡi mà rằng: “Đấy anh xem, cầu ngói Thanh Toàn có kém cạnh về nhan sắc so với chùa Cầu ở Hội An xí mô. Vậy mà du lịch vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm, dù chính quyền địa phương, dù tỉnh dù huyện và nhiều công ty du lịch đã kết nối để cố gắng cho người dân xứ này. Nhìn chùa Cầu tấp nập khách du lịch hằng ngày, hằng tuần như thế, còn xứ ni họa hoằn lắm mới được một bữa đông khách!”.

Tâm tư của ông Phó Chủ tịch xã, cũng là tâm tư của người dân Thủy Thanh này, cũng là nỗi đau đáu của người dân làng này. Ở phía đầu cầu có một khoảng đất rộng, gần đó có một ngôi đình, địa điểm này thường là nơi diễn ra hội làng, các hoạt động cộng đồng, cũng như buôn bán, họp chợ. Bên cạnh cầu có một “Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn”. Nơi đây trưng bày đầy đủ các loại nông, ngư cụ truyền thống và “kể” những câu chuyện sinh hoạt thôn quê.

Cùng với cầu ngói Thanh Toàn, đây cũng là nơi góp phần lưu giữ những nét đẹp của đời sống con người xưa. Địa lợi đã có, nhân hòa cũng chẳng thiếu, nhưng dường như thiên thời chưa dành cho cầu ngói xứ này. Chùa Cầu Hội an đón khách nườm nượp, hàng tháng, hàng năm đóng góp rất nhiều khoản thu cho địa phương nhờ du lịch và các loại dịch vụ. 

Còn cầu ngói nơi này, lác đác du khách như một sự tương phản không hề nhẹ, dẫu người dân xứ này đã cố gắng rất nhiều. Cả lão Sửu chèo đò, cả người làng, cũng như ông Hòa Phó Chủ tịch cứ lắc đầu rồi thốt lên: Vì đâu?!

Năm 1990, cầu được công nhận là Di tích Quốc gia
Năm 1990, cầu được công nhận là Di tích Quốc gia

Nỗi buồn cầu ngói

Nhìn sự phát triển du lịch của Hội An, người xứ này cũng thèm và tiếc lắm. Để phát triển du lịch cho người Thủy Thanh, để cầu ngói Thanh Toàn trở thành điểm đến không chỉ một ngày, một mùa Festival, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức phiên chợ đêm ở cầu ngói diễn ra vào 16 âm lịch hằng tháng để tạo thêm sự đa dạng cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của địa phương. 

Rồi những phiên “Chợ quê ngày hội” cũng là điểm quen thuộc ở mỗi kỳ Festival Huế. Sau gần 250 năm, cây cầu cũng đã được hạ giải để tiến hành bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lại. Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Cầu ngói Thanh Toàn được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Dự án được khởi công đầu tháng 4/2020 và hoàn thành sau 1 năm.

Chính quyền địa phương cũng xây dựng nhiều mô hình để phục vụ du khách, như mô hình trải nghiệm làm vườn tại di tích đền Văn Thánh của bà Nguyễn Thị Nữa, mô hình trải nghiệm một ngày làm nông dân tại vườn Chân Quê, chèo thuyền đánh bắt cá, thả hoa đăng trên sông Như Ý của ông Lê Nguyên Sửu, mô hình vườn hoa Lạc Dương Check-in của ông Chế Quang Tám, mô hình vườn hoa Thanh Vân check-in của HTX Nông nghiệp Vân Thê… đi kèm với các tổ ẩm thực, thuyền, làm nón lá, bánh tét…

Bà con đi trải nghiệm học hỏi, rồi các dự án của Hà Lan, ILO, JICA hay họ đưa trực tiếp người về hướng dẫn, nghiên cứu sâu về dịch vụ du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm. Tập dượt lên xuống, học cách đón đến mời chào, thuyết minh, đến năm 2012 thì bắt đầu làm mạnh. Rồi từ năm 2015, khi hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng nông thôn mới, thì xác định điểm đến du lịch cộng đồng làng quê, là sản phẩm đặc trưng của Thủy Thanh, khai thác tiềm năng sẵn có của xã là bài chòi, trình diễn làm nón lá, ẩm thực, chèo thuyền, chằm nón, vườn mẫu, mở Tour “Một ngày làm nông dân”...

Nhưng rồi, vẫn là sự tiếc nuối khi cho đến nay, hiệu quả kinh tế từ những mô hình này chưa trở thành nguồn thu nhập chính để người dân tham gia làm du lịch cải thiện đời sống. Khách không có nhiều và thường xuyên, người dân cũng không trụ lại được vì không bảo đảm thu nhập, cuối cùng chỉ còn vài hộ tham gia. Bà Nguyễn Thị Nữa thì chao chát: “Khách đến nhưng hoằn lắm mới có một vài người trải nghiệm các dịch vụ của bà con nên thu nhập gần như không đáng kể”. Ông Sửu chèo thuyền cũng chẳng được mấy khách, ngay cả mô hình trải nghiệm làm vườn tại di tích đền Văn Thánh của bà Nguyễn Thị Nữa cũng khó thu hút du khách.

Khách đến khách đi, cây cầu như bất động hơn khi gần đó, hai chiếc thuyền đưa đón khách dọc dòng kênh, như du lịch chèo đò trên sông Hoài ở phố cổ Hội An cũng buông sào đầy trăn trở. Tiếng gió réo rắt mời gọi, nhưng chỉ có hai bụi tre lớn ngả bóng, gợi nét thanh bình trong vắng vẻ chẳng buồn đáp lại.

Cầu ngói mùa nào cũng vắng, chỉ trừ hàng tháng đôi lần khi tổ chức “Chợ quê ngày hội”
Cầu ngói mùa nào cũng vắng, chỉ trừ hàng tháng đôi lần khi tổ chức “Chợ quê ngày hội”

Ông Phó Chủ tịch xã, rồi ngay cả chị Nguyễn Thị Loan bán giải khát ngay cầu, hay ông Sửu, bà Nữa cứ muốn lựa lời mà sau đó khi “xả” hết, tôi mới hiểu rằng từ cán bộ đến người dân chốn này, thảy đều dày vò đau đáu cho chuyện trên. Tôi nhìn họ, nghe từ tâm tình của họ,mà thấy tình yêu làng đến mụ mị trong lòng người, rằng bà con ưng làm giàu từ chính quê mình lắm, nhưng đành chịu vì còn nhiều cái khó. Thủy Thanh đẹp lắm. Từ đây lên thành phố chỉ 8 km. Hẳn ở đây, ai cũng thương nếp nhà, con đường, mảnh vườn mình, nhưng không thể đứng nhìn chịu cực.

Dẫu địa phương đã lập 2 HTX để phục vụ du lịch, nhưng vẫn thiếu. Như cách nói của ông Phó Chủ tịch xã, thì địa phương không có sản phẩm đặc trưng. Như mâm cỗ đã bày sẵn, nhưng lại thiếu món chủ đạo để khách đến phải thèm thuồng, xuýt xoa, trông đợi. Ừ thì có cầu ngói độc đáo đấy, nhưng quảng bá chẳng bằng Hội An. Cũng là chằm nón, bài chòi, chợ đêm, nhưng làm sao cho bằng xứ Quảng. Rồi chuyện làm rau cũng thua Trà Quế, chèo thuyền cũng thua sông Hoài hay Cẩm Thanh ở phố cổ Hội An. Du khách về đây chỉ mới dừng ở hoạt động tham quan cầu ngói, chứ chưa thật sự tham gia các hoạt động trải nghiệm của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh thẳng thừng nhận xét: Cái cần nhất có lẽ là các chính sách hỗ trợ địa phương khai thác du lịch cộng đồng, với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, hỗ trợ trực tiếp trong hình thành dịch vụ homestay và một số trải nghiệm mới để tránh sự đơn điệu trong các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, là hoạt động xúc tiến du lịch, kết nối lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm hình thành một số chương trình tour kết nối chuỗi sản phẩm dịch vụ địa phương thường xuyên…

Tâm tư của ông Phó Chủ tịch, cũng như nỗi niềm của những người dân chốn này là thật. Họ đang ao ước quê mình đón khách thật nhiều, dẫu chưa thể bằng phố Hội, thôi thì bằng một nửa, hay một phần ba cũng được. Chừng chừng rồi sẽ nhiều thêm, sẽ thu hút hơn. Chứ chẳng phải như bây giờ, sau dịp lễ hội tiệc tàn, chợ vãn… là xong.

Cầu ngói mùa vắng khách, ván gỗ êm chân, dưới cầu nước vẫn lững lờ trôi. Cầu ấy đã chứng kiến bao thế hệ đã đi qua, đến ngồi hay soi bóng. Cầu ngói này là báu vật tiền nhân để lại, bây giờ họ chỉ mong du lịch phát triển, đời sống người dân đỡ vất vả hơn. Và ít ra, niềm tự hào cho dân cầu ngói còn được vực dậy, cho một mai này...

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.