Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người Ve với tiếng sáo của vang lên cùng thời gian...

Hồng Phúc - Văn Sơn - 11:08, 25/07/2025

Một chiều, nghỉ chân ở ngôi nhà làng người Ve (xã Đắc Pring, thành phố Đà Nẵng), chúng tôi ngước nhìn trên vách mái nhà làng, bên cạnh những đầu trâu mà dân làng đã trải qua bao mùa hiến trâu ăn mừng lúa mới là những cây sáo làm từ tre nứa, được đặt cẩn thận, trang nghiêm. Không chỉ là nhạc cụ, chúng còn là ký ức của làng, là sự hiện diện của bao lớp người Ve giữa núi rừng Trường Sơn.

Các chàng trai, cô gái người Ve ở xã Đắc Pring làm lao động vừa nghe ông Hiên Dân thổi sáo Tuốt léc g
Các chàng trai, cô gái người Ve ở xã Đắc Pring làm lao động vừa nghe ông Hiên Dân thổi sáo Tuốt léc

Bản làng người Ve (nhóm địa phương của dân tộc Gié Triêng) ở xã Đắc Pring hiện ra mộc mạc như chính tính cách của những con người sống bền bỉ giữa đại ngàn. Ở đó, bên tiếng suối róc rách, giữa thung lũng thấp thoáng khói bếp chiều, những âm thanh xưa cũ vẫn đang được lưu giữ bằng nhạc cụ đơn sơ-những cây sáo bằng nứa. Không phải nhạc cụ biểu diễn chuyên nghiệp, cũng không dành riêng cho sân khấu, nhưng trong mỗi sự kiện của cuộc đời của họ luôn có âm thanh tiếng sáo thân thương này.

Ông Zơ Râm Ngăm thổi sáo Pà bam
Ông Zơ Râm Ngăm thổi sáo Pà bam

Tò mò về những cây sáo, chúng tôi tìm đến nhà ông Zơ Râm Ngăm (65 tuổi). Sau ly trà nóng, ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe một sự tích được người Ve truyền đời. Đó là một câu chuyện buồn. Rằng xưa, nơi đồi núi cao heo hút có làng Bút Zriêng Dac Bloong. 

Ở đó có một gia đình Ve nghèo khổ: cha là Choong Xuyên Lânh, mẹ là Rủah Nhang và hai người con trai Choong Unh, Choong Brol. Vì nghèo nên họ thường bị nhà giàu trong làng hắt hủi, xua đuổi. Cái nghèo kéo theo bất hạnh. Người cha lâm bệnh mất sớm, để lại ba mẹ con bơ vơ không nơi nương tựa.

Tang cha chưa kịp nguôi ngoai, những kẻ quyền thế trong làng không cho họ thể hiện nỗi đau, nói rằng họ làm ồn ào làng bản, rồi bắt phạt. Không được khóc, hai đứa trẻ chỉ biết lặng lẽ cắt một ống nứa nhỏ bằng ngón tay, đưa lên miệng thổi. Mỗi lần nhớ cha, chúng lại đưa ống sáo ấy lên môi, để tiếng nấc hóa thành âm thanh theo gió bay đi. Đó chính là cây sáo Pà bam – tiếng khóc ngắn, nghẹn lại trong lòng.

Ông HIên Dân trò chuyện, giới thiệu với khách về cây sáo
Ông Hiên Dân trò chuyện, giới thiệu với khách về cây sáo

Nhưng tai ương chưa dừng lại. Ít lâu sau, người mẹ Rủah Nhang cũng ra đi, về với Yang trời, Yang đất. Lần này, hai anh em thực sự côi cút. Cũng như lần trước, họ không được khóc. Những kẻ nhà giàu tiếp tục phạt vì tiếng khóc "gây rối làng bản".

 Không thể khóc thành tiếng, họ lại chọn một ống nứa khác – dài hơn, một đầu để trống, đầu kia khoét ba lỗ nhỏ xuyên qua mấu – để tạo ra thứ âm thanh dài, nghẹn ngào , vọng mãi trong rừng sâu. Đó là Đinh buôn – tiếng khóc dài, tiễn mẹ về suối.

Ông Zơ Râm Ngăm trầm ngâm rồi cất giọng mô tả: "Mỗi lần sáo Pà bam cất lên nghe như păm pồ pà pa... buồn não nề, như rên rỉ ai oán. Còn Đinh buôn thì như lời gọi mẹ vọng mãi, khi trầm khi bổng, nghe vừa cô đơn, vừa lạnh lẽo. Như tiếng trách: ‘Cha cũng mất mà mẹ cũng mất, bỏ hai đứa con ở lại bơ vơ...’".

Từ những tiếng khóc bị nghẹn lại, người Ve đã lưu giữ lại những ký ức, cảm xúc bằng cách tạo ra nhạc cụ – không để biểu diễn, mà để thổ lộ, để tưởng niệm, để tâm sự điều mà họ không thể nói bằng lời.

Ngồi bên cạnh, anh Hiên Liên, cán bộ văn hóa xã Đắc Pring, thành phố Đà Nẵng nói cho chúng tôi nghe về một loại sáo của người Ve có tên là Tuốt léc. Khác với hai loại sáo kia, Tuốt léc mang thanh âm rạo rực, là tiếng tỏ tình của chàng trai Ve với người mình thương. Mỗi khi chàng thổi sáo, cô gái không yên. Còn các cô gái đáp lại bằng làn điệu dân ca trong trẻo, tự tin. 

Sáo Tuốt léc và tiếng hát ấy đã kết nên bao mối duyên lành giữa đại ngàn Trường Sơn.

Để có được những thanh âm lay động lòng người ấy, người Ve phải kỳ công chọn ống nứa trong rừng sao cho vừa tuổi, không cành, không lỗ mọt, rồi gác bếp từ một đến hai tháng. Khi nứa đủ độ khô, họ mới bắt đầu công đoạn khoét lỗ, làm lưỡi gà, chỉnh âm bằng tay trần và kinh nghiệm truyền đời. 

 Để hoàn thành một cây sáo phải mất từ 5 đến 7 ngày. Với sáo Pà bam, là một ống nứa nhỏ bằng ngón tay cái người lớn (1cm), dài 3 gang tay (khoảng 60cm), trên thân sáo có một lỗ để thổi. Đối với sáo Đinh buôn, là một ống nứa nhỏ độ lớn khoảng 1cm, dài 6 gang tay (khoảng 1m20cm).

 Một bộ phận quan trọng của sáo Đinh buôn là lưỡi gà ở đầu ống sáo. Lưỡi gà này chủ yếu làm bằng thân cây nứa vót mỏng. Tuy nhiên, để tiếng sáo Đinh buôn được trong và vang hơn, người Ve cũng có thể dùng lưỡi gà bằng đồng. Đối với sáo Tuốt léc có kết cấu đơn giản gồm một khúc nứa to bằng ngón chân cái người lớn (khoảng 2 cm) và dài 5 gang tay (khoảng 1 mét), chỉ có một lỗ chính giữa của ống.

Thanh niên người Ve tỏ tình cùng con gái với tiếng sáo Tuốt léc
Thanh niên người Ve tỏ tình cùng con gái với tiếng sáo Tuốt léc

Người Ve xã Đắc Pring hôm nay không chỉ cần cù trong lao động mà còn rất tự hào trong việc giữ gìn văn hóa. Trong các lễ hội, trong các sinh hoạt văn nghệ, tiếng sáo Pà bam, Đinh buôn, Tuốt léc vẫn vang lên giữa đại ngàn như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Những cây sáo ấy không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn là biểu tượng văn hóa – lặng lẽ nhưng bền bỉ của cả một cộng đồng.

Trời đã nhá nhem tối, chúng tôi rời Đắc Pring mà tâm trí dường như vẫn ở ngôi nhà làng Công Năng của người Ve. Nơi đây chúng tôi đã được nghe tiếng sáo Pà bam, sáo Tuốt léc của ông Zơ Râm Ngăm, sáo Đinh buôn của ông Hiên Dân thổi tặng. 

Những tiếng sáo vừa nghe còn ngân nga đâu đây. Âm thanh ấy, những tiếng lòng, tình yêu, hạnh phúc hay đau khổ qua tiếng sáo thân thương vẫn vang lên cùng gió, cùng rừng, cùng thời gian. 


Tin cùng chuyên mục
Giai điệu đặc sắc ở bản Lạ

Giai điệu đặc sắc ở bản Lạ

Bản Lạ, xã Lượng Minh, tỉnh Nghệ An là quần cư của cộng đồng dân tộc Thái. Bản Lạ nổi tiếng không chỉ bởi phong cảnh nên thơ, mà còn là cái nôi lưu giữ những làn điệu truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái.