Nghệ nhân Lay Đại Cương - một trong những người biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ nhất bản Lạ. (Ảnh: Đình Tuân)Từ hạt nhân say sưa với âm nhạc truyền thống
Men theo con đường quanh co hiểm trở, một bên là núi non trùng điệp một bên là dòng Nậm Nơn trong xanh, hiền hòa chảy, chúng tôi đến bản Lạ, xã Lượng Minh, tỉnh Nghệ An khi tiếng khèn bè vang vọng bên sườn núi để xua tan sương sớm, chào đón ngày mới. Âm thanh khèn bè trầm bổng giữa núi rừng ấy cũng là lời mời gọi khách gần xa đến với bản Lạ.
Người thổi khèn là Nghệ nhân Lay Đại Cương, người có tiếng trong vùng biết sử dụng nhiều nhạc cụ. Ông được bà con kính nể bởi tài chơi nhạc cụ và am hiểu tường tận các làn điệu dân ca Thái cổ.
Sau khi tặng chúng tôi một màn độc tấu khèn bè, ông Cương lại say sưa kể về niềm đam mê nhạc cụ dân tộc của ông.
Ông chia sẻ: “Bố tôi thổi sáo, đánh đàn rất hay. Ngay từ hồi còn rất nhỏ, tôi đã mê tiếng sáo, tiếng đàn của bố. Từ đó, tôi tò mò về cách thức sử dụng những nhạc cụ dân tộc, rồi lấy sáo của bố tự tập thổi. Không biết có thừa hưởng gen năng khiếu âm nhạc từ bố hay không mà tôi học khá nhanh. Năm 13 tuổi tôi đã sử dụng thành thạo một số nhạc cụ dân tộc”.
Dường như đó là mạch nguồn nuôi dưỡng niềm đam mê nhạc cụ sau này của Nghệ nhân Lay Đại Cương. Ông Cương đã tự mày mò, tự học nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, ông đã sử dụng được 12 loại nhạc cụ dân tộc, như: Sáo, khèn bè, mandolin, tùng tinh... Ngoài các loại nhạc cụ truyền thống, ông còn sử dụng khá thành thạo Guitar, Ocgan...
Trong căn nhà nhỏ cấp bốn của gia đình ông, những loại nhạc cụ như: Sáo ngang, sáo dọc, khèn bè, đàn mandolin, tùng tinh... đều được ông treo ở vị trí rất trang trọng.
Những nghệ nhân của bản Lạ đang nỗ lực truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho hậu thế. (Ảnh: Đình Tuân)Đến cái nôi lưu giữ bản sắc dân tộc
Không riêng gì ông Cương, bản Lạ còn có hàng chục người biết chơi nhạc cụ truyền thống, như các ông Lay Sông Thao, Lô Văn Toàn, Lô Văn Thiên, Vi Văn Tuyên, Lô Văn Thịnh, Lương Văn Khuê... Ở bản Lạ giờ đã có CLB Dân ca - dân vũ - nhạc cụ dân tộc Thái được công nhận là mô hình cấp tỉnh.
Điển hình như Nghệ nhân Lay Sông Thao, ông không chỉ sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, mà còn sáng tác được nhiều ca khúc. Trong đó, có một số ca khúc được nhiều người yêu thích, như: Chứ ma giám bản noòng, Lượng Minh đất mẹ anh hùng, hoa ban piêng bán...
“Chúng tôi ngày xưa không có Internet, không điện thoại. Đến tối trai bản, gái bản lại cùng nhau tụ tập đánh trống, thổi pí, thổi khèn, tự học rồi tự nhớ. Thời đó vui lắm. Cho đến bây giờ hỏi ký hiệu nốt nhạc là gì thì cũng chịu. Không biết đọc nốt nhạc nhưng biết cách tạo âm, biết dùng hơi, kiểm soát nhịp, biết lúc nào cần lặng, lúc nào dồn dập. Đó là kinh nghiệm được đúc kết qua hàng chục năm gắn bó với nhạc cụ dân tộc”, ông Thao chia sẻ.
Ông Lô Văn Toàn, Chủ nhiệm CLB Dân ca - dân vũ - nhạc cụ dân tộc bản Lạ cho biết: Lúc đầu chúng tôi cũng chỉ ngồi với nhau để đàn sáo, hát hò cho vui sau những ngày lao động mệt mỏi. Nhưng sau nhận thấy số lượng tham gia ngày một đông, vì vậy chúng tôi đã xin chủ trương chính quyền địa phương để thành lập CLB cấp xã. Đến năm 2024, CLB rất vinh dự được công nhận là mô hình cấp huyện, rồi được công nhận là mô hình cấp tỉnh.
Hiện na, CLB Dân ca - dân vũ - nhạc cụ dân tộc bản Lạ đã được công nhận mô hình cấp tỉnh. (Ảnh: Đình Tuân)Sau khi được công nhận mô hình cấp tỉnh, CLB đã hoạt động quy củ và bài bản hơn. Hiện nay CLB bộ không đơn thuần là nơi giao lưu gặp gỡ của những người cùng sở thích, mà còn là nơi nuôi dưỡng, trao truyền vốn văn hóa truyền thống cho các hạt nhân trẻ.
Anh Lô Văn Thiên, thành viên CLB cho hay: “Dù có đi đâu, làm gì, tôi vẫn luôn mang theo mình những giai điệu của bản làng, của quê hương. Âm nhạc là phần linh hồn của dân tộc Thái, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ”.
Trong xã hội hiện đại với nhiều dòng âm nhạc khác nhau, thì âm nhạc dân tộc của người Thái vẫn giữ được sức hấp dẫn riêng biệt. Những giai điệu của khèn bè, sáo, cồng chiêng, khắc luống... không chỉ là những âm thanh đơn giản, mà còn chứa đựng những câu chuyện, những tâm tư, những cảm xúc của những người đã từng sống và trải qua những thăng trầm của cuộc sống. Tình yêu âm nhạc dân tộc đã trở thành một phần không thể thiếu trong trái tim của những người Thái ở bản Lạ.