Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Ba Chẽ (Quảng Ninh): Nỗ lực chuyển đổi số ở các xã vùng sâu, vùng xa

Thiên An - Mỹ Dung - 10:10, 05/09/2022

Chuyển đổi số được xem như một giải pháp để thích ứng với tình hình thực tế, là hướng thúc đẩy phát triển mới toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng khó khăn có thế nói, vẫn là một thách thức lớn.

Nhiều người cao tuổi ở Ba Chẽ cũng đã dần quen với quay clip bằng điện thoại thông minh
Nhiều người cao tuổi ở Ba Chẽ cũng đã dần quen với quay clip bằng điện thoại thông minh

Khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số

Trong thời đại số, cũng như nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa khác, đã có không ít thanh niên, người già người DTTS ở Ba Chẽ sử dụng điện thoại thông minh để quay hình, livetream. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của công nghệ số, khi người dân các xã vùng cao tiếp cận nó. Hòa nhập chuyển đổi số, đang là thách thức rất lớn đối với người dân huyện miền núi vùng cao Ba Chẽ.

Huyện Ba Chẽ với hơn 80% đồng bào DTTS sinh sống, việc tham gia chuyển đổi số tại xã Đạp Thanh, gần như mới chỉ diễn ra ở trung tâm xã. Nguyên do, tại các thôn trên địa bàn, đời sống dân trí của người dân chưa cao, cuộc sống còn nghèo nên gần như rất khó hòa nhập. Chị Chíu Thị Mấu, thôn Đồng Rằm chia sẻ: “Nói thật vì nghèo nên có mấy người sắm điện thoại thông minh dùng đâu. Hơn nữa ở đây sóng cũng kém nên việc sử dụng còn khó lắm”.

Việc người dân do nghèo và mạng Internet còn thiếu, đang ảnh hưởng đến việc đồng bộ chuyển đổi số ở các trường học. Như ở Trường PTDTBT TH&THCS Nam Sơn, xã Nam Sơn, trường đã thực hiện chuyển đổi số, nhưng chỉ diễn ra tương tác giữa giáo viên-nhà trường và giáo viên-học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Chung, Hiệu trưởng trường PTDTBT TH & THCS Nam Sơn chia sẻ, hiện nay nhà trường đã thực hiện hình thức xử lý email, sử dụng các phần mềm quản lý đội ngũ giáo viên và học sinh, soạn giảng lưu trữ tài liệu. "Sổ liên lạc điện tử thì chưa triển khai được vì phụ huynh gần như không có thiết bị, cũng như chưa có nhu cầu và biết sử dụng các ứng dụng này”.

Ra mắt Tổ Công nghệ số cộng đồng các thôn trên địa bàn xã Lương Mông
Ra mắt Tổ Công nghệ số cộng đồng các thôn trên địa bàn xã Lương Mông

Đến từng nhà hướng dẫn chuyển đổi số 

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan, tạo động lực cho sự đột phá phát triển toàn diện của Quảng Ninh. Theo đó, ngày 05/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết, huyện Ba Chẽ cũng đã nhanh chóng, thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại 66 thôn, khu phố bao gồm, các cán bộ và hội đoàn thể. Các tổ công nghệ số tham gia cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số; Đồng thời hướng dẫn người dân về các vấn đề liên quan công nghệ số, theo cách đi từng ngõ, gõ từng nhà, trực tiếp hướng dẫn từng người dân theo cách “cầm tay chỉ dẫn”, để từ đó người dân dễ bắt nhịp hơn.

Trên thực tế, không ít người dân sau khi hòa nhập với chuyển đổi số, đã thấy rõ những thay đổi, thuận lợi so với cuộc sống trước kia. Chị Chíu Tài Múi, thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc cho biết, nhà cách trung tâm xã gần chục km nên mỗi khi có việc phải ra trung tâm xã, thường mất cả nửa ngày, giờ thì đã khác. “Trước muốn nộp tiền điện, tiền nước hoặc làm thủ tục giấy tờ đều phải lên trung tâm xã, nay ứng dụng chuyển đổi số tiện lợi hơn rất nhiều, nhất là không mất nhiều thời gian và chi phí”.

Đoàn viên Ba Chẽ ra quân hỗ trợ người dân cài đặt mã thanh toán QR-code
Đoàn viên Ba Chẽ ra quân hỗ trợ người dân cài đặt mã thanh toán QR-code

Để thu hút Nhân dân ứng dụng chuyển đổi số, với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ, thanh niên Ba Chẽ đã và đang giữ vai trò đi đầu, trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số.

 Anh Lê Minh Đạt, Bí thư Huyện Đoàn Ba Chẽ cho biết: “Thời gian tới, huyện đoàn tiếp tục phối hợp với Phòng văn hóa, thông tin tập huấn cho thanh niên, cán bộ về chuyển đổi số; các tổ thanh niên đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân. Các hoạt động này góp phần giúp đỡ người dân bắt nhịp, hòa nhập với chuyển đổi số ngày càng hiệu quả hơn”.

Để việc chuyển đổi số trở thành đồng bộ ở các thôn, xã khó khăn, cần sự vào cuộc của chính quyền, người dân và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Hi vọng chuyển đổi số trên địa bàn toàn huyện Ba Chẽ sẽ ngày càng hoàn thiện, phục vụ thiết thực lợi ích cho người dân địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Chuyển đổi số ở các bản làng vùng DTTS Quảng Ninh

Chuyển đổi số ở các bản làng vùng DTTS Quảng Ninh

Đến nay không chỉ ở thành thị, mà người dân ở các thôn, bản vùng cao, vùng DTTS tỉnh Quảng Ninh cũng đã nắm bắt thời cơ, bắt nhịp chuyển đổi số để trở thành những "công dân số". Nhờ đó, người dân tiếp cận các chính sách dân tộc nhanh chóng; đồng thời ứng dụng hiệu quả trong đời sống xã hội và trong lao động, sản xuất