Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Cần tiếp tục có chính sách đồng bộ để thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS

Thúy Hồng (thực hiện) - 14:48, 22/10/2024

Những năm qua, từ các chính sách thiết thực dành cho vùng đồng bào DTTS cũng như những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra những tác động tích cực cho công tác bình đẳng giới vùng DTTS. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp bách đối với phụ nữ và trẻ em. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PV: Thưa bà, trong những năm qua Nhà nước đã có những chính sách nào để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Triển khai thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới, như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…

Đặc biệt, phải kể tới các chương trình, đề án cụ thể có nội dung liên quan giới, bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025”, Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới”; Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”…

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, có một số dự án trực tiếp tác động tới mục tiêu bình đẳng giới, bao gồm lĩnh vực phát triển giáo dục đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể: Dự án “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi".                    

Từ các chính sách thiết thực dành cho vùng đồng bào DTTS, thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội đã tác động tích cực tới công tác bình đẳng giới vùng DTTS, tạo ra những chuyển biến nhất định trong kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

PV: Trong những năm gần đây, mặc dù nước ta đã đạt được những mục tiêu quan trọng trong công tác bình đẳng giới, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu về y tế, lao động, việc làm vẫn còn thấp, bà đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có cam kết chính trị trong việc đảm bảo bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới cũng như giữa các dân tộc. Hiến pháp quy định công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Sự bình đẳng không chỉ được ghi nhận trong luật pháp mà còn được cụ thể hoá thông qua các chính sách dành cho phụ nữ, góp phần đạt nhiều mục tiêu quan trọng, được coi là điểm sáng trong bức tranh bình đẳng giới của khu vực và trên thế giới.

Những thành tựu bình đẳng giới ấy có sự tác động trực tiếp tới sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ DTTS, tạo cơ hội cho phụ nữ DTTS khẳng định vị trí của mình trong phát triển kinh tế và quản lí xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và thúc đẩy bình đẳng giới

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa (thứ 2 bên trái) trò chuyện với các đại biểu tại Hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên DTTS trong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới tổ chức tại Thái Nguyên vào cuối tháng 9
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa (thứ 2 bên trái) trò chuyện với các đại biểu tại Hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên DTTS trong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới tổ chức tại Thái Nguyên vào cuối tháng 9

Ngày càng nhiều phụ nữ DTTS tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lí; phụ nữ, trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được đi học đúng tuổi; khoảng cách giới được thu hẹp đáng kể ở từng cấp học, bậc học; tỷ lệ phụ nữ DTTS được hưởng thụ các dịch vụ y tế cũng tăng dần; phụ nữ DTTS ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ tài chính vi mô, được đào tạo nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng bình đẳng giới giữa phụ nữ và nam giới vẫn còn khoảng cách khá lớn; phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Các chỉ số về y tế, lao động, việc làm vẫn còn ở mức độ thấp, cụ thể là chỉ số về lĩnh vực y tế vẫn thuộc nhóm thấp, đứng thứ 144 trong 146 quốc gia (giảm 3 bậc so với năm 2022). Đặc biệt, theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ số về tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện nay đang ở mức độ không cân bằng, 113,6 bé trai/100 bé gái, so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 111 bé trai/100 bé gái.

Về thể lực, ở một số vùng DTTS, nhất là nhóm DTTS rất ít người có thể trạng, tầm vóc hạn chế so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là một số dân tộc sống ở địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ tái mù chữ còn cao, tình trạng học sinh nữ bỏ học còn nhiều; lực lượng lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng miền núi phía Bắc thấp hơn so với mức trung bình cả nước và không đồng đều giữa các tỉnh trong vùng: tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của Sơn La là 12%, Lào Cai là 16,2%, Yên Bái là 13,7%…

Tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện còn thấp. Các chỉ tiêu phụ nữ tham chính đã tiệm cận được các mục tiêu đặt ra, nhưng chủ yếu ở các vị trí tham mưu, cấp phó; vị trí lãnh đạo vẫn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng. Theo thống kê 9 nhóm nghề nghiệp, người DTTS làm “lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị” chiếm tỷ trọng thấp, chỉ chiếm 5% và đa phần trong số này là nam giới với 71,8% và nữ giới chỉ có 28,2%.

Các chính sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các DTTS còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đủ nguồn lực để phát triển. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chưa có sự lồng ghép chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao, nhất là các chương trình về văn hóa, giáo dục, đào tạo, dân số có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực...

Cần có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em ở vùng DTTS
Cần có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em ở vùng DTTS

PV: Theo bà, trong thời gian tới cần tăng cường những giải pháp gì để thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Để tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ DTTS phát triển, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới khu vực này cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhằm cải thiện đời sống kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, cần đề ra những chính sách ưu tiên, mở rộng cơ hội để phụ nữ DTTS có thể tham gia học tập ở nhiều loại hình, phương thức đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, bao gồm cả trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học…

Đối với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS, cần đổi mới chính sách giáo dục - đào tạo; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho học sinh, sinh viên là người DTTS theo từng cấp học, ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn và dân tộc rất ít người; tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú; mở rộng các khoa dự bị đại học trong các trường đại học cho người DTTS; nghiên cứu cơ chế, chính sách cử tuyển dành cho con em các DTTS vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng DTTS.

Đồng thời bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định bình đẳng giới, có thái độ, hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, ngược đãi, bạo hành, làm tổn thương phụ nữ và trẻ em gái DTTS.                                      

Đặc biệt cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển toàn diện nguồn nhân lực. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục; kiên trì đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào…

Trân trọng cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Lợi thế để nhân rộng mô hình “Nuôi dê sinh sản theo nhóm hộ” ở Đakrông

Lợi thế để nhân rộng mô hình “Nuôi dê sinh sản theo nhóm hộ” ở Đakrông

Đầu năm 2024, UBND huyện đã chính thức phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng “Nhân rộng mô hình chăn nuôi dê địa phương sinh sản theo nhóm hộ”. Đến nay, nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đã hỗ trợ 3.400 con dê giống để cấp phát cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở các xã Tà Rụt, Mò O, A Ngo, Húc Nghì (Đakrông, Quảng Trị)