Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hàng loạt tàu chục tỷ... nằm bờ vì vướng quy định

Lê Vũ – Bảo Trần - 15:58, 16/03/2021

Nhiều chủ tàu ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang lo lắng, bất an trước nguy cơ phá sản vì các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) phải nằm bờ, ngừng hoạt động suốt một thời gian dài do vướng các quy định, trong khi các cơ quan chức năng vẫn loay hoay với việc tìm giải pháp gỡ.


Tàu dịch vụ hậu cần thủy sản Thuận Huệ 68 (BV-97979TS) đang phải nằm bờ suốt một thời gian dài do vướng các quy định
Tàu dịch vụ hậu cần thủy sản Thuận Huệ 68 (BV-97979TS) đang phải nằm bờ suốt một thời gian dài do vướng các quy định

Tàu chục tỷ… nằm bờ!

Năm 2017, anh Châu Văn Nhỏ, ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), đưa vào hoạt động tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67, có công suất 1.446 CV, trị giá 35 tỷ đồng. Trong 2 năm 2017, 2018 tàu anh thực hiện 5 chuyến vận chuyển, kinh doanh xăng dầu. 

Nhưng đến cuối năm 2019, cơ quan chức năng không cho phép tàu gia đình anh vận chuyển xăng dầu, chỉ được phép vận chuyển đá cây, hải sản nên việc kinh doanh của gia đình anh liên tục thua lỗ. Hiện tàu đang phải nằm bờ, vì không có chi phí đầu tư ra khơi; từ quý II/2020 đến nay, gia đình anh liên tục phải viết đơn xin khất nợ ngân hàng với số tiền gốc chưa trả được là hơn 2 tỷ đồng. 

“Nếu tàu dịch vụ của chúng tôi không được phép vận chuyển, kinh doanh xăng dầu để bán lại cho các tàu cá khác trên biển, thì chúng tôi không có khả năng ra khơi nữa. Bởi vì, việc chỉ được chở nước đá, vật tư, ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm và thu mua hải sản, thì thực sự không thể đủ chi phí để cho tàu ra khơi”, anh Nhỏ buồn rầu cho biết.

Tương tự, cuối năm 2015, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, DNTN Thuận Huệ (TP. Vũng Tàu) đã được tỉnh khuyến khích đầu tư đóng mới tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vỏ thép, trị giá gần 60 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-Chi nhánh Vũng Tàu cho vay hơn 45 tỷ đồng, với thời hạn vay 16 năm. 

Chức năng chính của tàu dịch vụ hậu cần, là cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và thu mua hải sản đánh bắt được của các tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ. Trong đó kinh doanh nhiên liệu (xăng dầu) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2016), tàu dịch vụ hậu cần thủy sản Thuận Huệ 68 (BV-97979TS) đã được Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, và được cấp gia hạn suốt từ đó cho đến tháng 5/2020. Tuy nhiên, tương tự với các chủ tàu khác, hiện nay Sở Công thương không cấp giấy chứng nhận nữa vì tàu dịch vụ hậu cần không được cấp Giấy phép kinh doanh xăng dầu do không đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ DNTN Thuận Huệ bức xúc:Nếu ngay từ đầu, Sở Công thương nói rõ là tàu dịch vụ hậu cần không được cấp Giấy phép kinh doanh xăng dầu, như vậy chúng tôi sẽ cân nhắc về việc có nên tham gia Nghị định 67/2014/NĐ-CP hay không, mà đến thời điểm này mới trả lời cho chúng tôi, khác nào đem con bỏ chợ, đẩy doanh nghiệp chúng tôi đến bờ vực phá sản. DNTN Thuận Huệ không thể nào thực hiện đúng phương án kinh doanh ban đầu được, dẫn đến tàu dịch vụ hậu cần thủy sản kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ, phải dừng hoạt động”.

Được biết, hiện nay mỗi ngày DN Thuận Huệ phải trả khoảng 20 triệu đồng bao gồm chi phí nhân công, neo đậu, duy tu tàu đó là chưa kể đế tiền ngân hàng. Từ giữa năm 2020 đến nay, DN không có khả năng trả nợ ngân hàng, bị đưa vào diện nợ xấu, chịu lãi suất cao hơn và nguy cơ bị khởi kiện.

Loay hoay tìm giải pháp gỡ “nút thắt”

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt đóng mới, đưa vào hoạt động 9 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vỏ thép. Việc đầu tư tàu dịch vụ có công suất lớn, trang bị hiện đại để thực hiện chức năng dịch vụ hậu cần thủy sản, bao gồm: chở nhiên liệu, xăng dầu, nước đá bảo quản thủy sản, vật tư sửa chữa nhỏ, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm thiết yếu… phục vụ cho tàu cá đang hoạt động xa bờ của tỉnh.

Đây là chủ trương đáp ứng kịp thời nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân bám biển, hoạt động khai thác dài ngày. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc tăng hiệu quả chuyến biển, thúc đẩy kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, hiện nay các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh đang phải nằm bờ, ngừng hoạt động do vướng các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều Luật Thủy sản năm 2017 và Thông tư số 47/2015/TT-BCT ngày 11/12/2015 của Bộ Công Thương về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển.

Cụ thể, theo Thông tư 47/2015/TT-BCT thì, điều kiện để các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu yêu cầu phải đặt, neo đậu cửa hàng xăng dầu trên mặt nước phải đúng quy định. Trong khi thực tế tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của tỉnh, chỉ cập bến trong một thời gian nhất định để xếp sản phẩm hải sản thu mua và lấy nguyên nhiên vật liệu, sau đó xuất bến, di chuyển thường xuyên liên tục trên biển.

Ngoài ra, theo Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tàu dịch vụ hậu cần thủy sản không có chức năng cung cấp, vận chuyển xăng dầu trên biển.

Trước thực trạng trên, ngày 19/6/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Văn bản 6252/UBND-VP và Văn bản 6253/UBND-VP kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tháo gỡ vướng mắc về hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, phía Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cho rằng, việc cấp giấy phép hoạt động kinh xăng dầu cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật;

Tháng 11/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin hướng giải quyết những vướng mắc này, đối với tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định số 67 trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan khẩn trương thống nhất, và có hướng dẫn kịp thời về hoạt động kinh doanh xăng dầu của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đảm bảo không ảnh hướng đến hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân, cũng như việc triển khai các chính sách của Nghị định 67/2014/NĐ-CP. 

Trong đó, Bộ NN&PTNT được giao nhiệm vụ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát các quy định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời những trường hợp còn bất cập trong quy định pháp luật về thủy sản. 

Nhưng đến nay đã gần 4 tháng trôi qua, mà giải pháp tháo gỡ “nút thắt” của các cơ quan chức năng vẫn đang “im hơi lặng tiếng”. Và các con tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn nằm neo đậu, chờ đợi trong vô vọng và hàng loạt chủ tàu đang đứng bên bờ vực phá sản.

Tin cùng chuyên mục
Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Ia H’Drai

Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Ia H’Drai

Huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống; đa phần người dân đều làm công nhân cho các Công ty cao su trên địa bàn huyện. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, nhiều hộ dân đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi hươu sao và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu để kiếm thêm thu nhập, hướng đến làm giàu trên vùng đất khó.