Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống đồng bào DTTS

Quang Lê - 14:24, 03/10/2024

Cùng với cả nước, hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai 3 chương trình MTQG, gồm: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và Giảm nghèo bền vững. Một điểm chung của các chương trình này là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng nông thôn.

Lãnh đạo HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Đất Đỏ khảo sát nhu cầu sử dụng nước sạch của đồng bào DTTS tại ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Lãnh đạo HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Đất Đỏ khảo sát nhu cầu sử dụng nước sạch của đồng bào DTTS tại ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Đường giao thông, nước sạch vào tận ngõ

Xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ có 580 hộ, 2.800 nhân khẩu là đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện Nghị quyết 108 của HĐND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), địa phương đã đầu tư 9 công trình nước sinh hoạt và 2 đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí trên 28,1 tỷ đồng.

Anh Huỳnh Thanh Quý, dân tộc Hoa, ngụ xã Sông Xoài cho biết, trước đây gia đình sử dụng bằng nước giếng khoan nên không ổn định, chất lượng cũng không bảo đảm. Từ ngày có nước máy vào tận nhà, chúng tôi rất yên tâm, lại được hỗ trợ về giá cả nên chi phí cũng rất thấp.

Còn tại huyện Châu Đức, nơi có 2.200 hộ với 9.200 nhân khẩu thuộc 15 thành phần dân tộc cùng sinh sống. Đến nay, địa phương đã triển khai 23 công trình đường giao thông, 6 đường điện sinh hoạt, 6 công trình nước sinh hoạt với tổng vốn đầu tư gần 126 tỷ đồng.

Ông Trương Duy Dịch, Trưởng thôn Hoa Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức cho biết, đường trong thôn trước đây toàn là đất đỏ sình lầy, nay đã thành đường nhựa khang trang nên bà con trong thôn đi lại rất thuận tiện. Nhà nước còn đầu tư đường nước máy vào tận nhà cho gần 100 hộ dân của thôn khiến bà con rất mừng.

Đồng bào dân tộc Hoa xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ trồng bưởi da xanh và cây sầu riêng.
Đồng bào dân tộc Hoa xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ trồng bưởi da xanh và cây sầu riêng.

Đầu tư, hỗ trợ đúng và trúng

Với sự đầu tư mạnh mẽ, trọng tâm, trọng điểm, trong những năm qua, vùng nông thôn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng khởi sắc, đời sống bà con ngày càng được nâng cao. Tính đến tháng 6/2024, tất cả các xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số hộ nghèo (chuẩn đa chiều) của tỉnh chỉ còn 1.138 hộ, chiếm tỷ lệ 0,35% trên tổng số.

Trong năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đầu tư thực hiện các chương trình MTQG với tổng nguồn vốn được giao hơn 4.154 tỷ đồng. Trong đó, riêng Chương trình MTQG 1719 là 124 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt khoảng 31,12%.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình MTQG rất quan trọng, tạo động lực phát triển vùng nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ.

“Nếu có nguồn lực mà không giải ngân được, vẫn còn người nghèo, người khó khăn, hạ tầng vùng nông thôn không bảo đảm đời sống người dân thì lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm với Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Công tác giải ngân nhanh nhưng phải bảo đảm hiệu quả, các dự án phải trúng, giải quyết được những vấn đề cấp bách trong đời sống người dân. Các chương trình hỗ trợ phải đến được đúng đối tượng, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách”, ông Thọ khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.