Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nam Đông (Thừa Thiên Huế): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phát triển vùng DTTS

Khánh Ngân - 23:02, 21/07/2024

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, vùng đồng bào DTTS huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã có nhiều thay đổi tích cực. Với việc đầu từ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ mô hình sinh kế, nhà ở, nước sinh hoạt…, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Đông hiện nay còn 18%...

Mô hình nuôi bò vàng dưới tán cao su của gia đình ông Hồ Sỹ Thi ở thôn Ta Rung, xã Hương Sơn trở thành mô hình hỗ trợ phát huy hiệu quả tiêu biểu ở huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế
Mô hình nuôi bò vàng dưới tán cao su của gia đình ông Hồ Sỹ Thi ở thôn Ta Rung, xã Hương Sơn trở thành mô hình hỗ trợ phát huy hiệu quả tiêu biểu ở huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế

Chỉ tính trong 2 năm (2022 - 2023), tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ hơn 370 tỷ đồng thực hiện Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Trong tổng số ngân sách được phân bổ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện giải ngân ở 2 huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới. Từ nguồn lực này, cơ sở hạ tầng, đời sống dân sinh ở vùng DTTS Nam Đông đã có chuyển biến mạnh mẽ.

Là huyện miền núi, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) có gần 50% dân số là đồng bào DTTS. Do điều kiện tự nhiên, khí hậu có nhiều bất lợi nên đời sống đồng bào các DTTS ở Nam Đông còn nhiều khó khăn. Khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai thực hiện, Đảng bộ và chính quyền địa phương huyện Nam Đông xác định, đây là nguồn lực lớn để địa phương bứt phá vươn lên. Do đó, khi bắt tay vào triển khai Chương trình, Nam Đông đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt thực hiện.

(Bài KH): Nam Đông (Thừa Thiên Huế): Chương trình MTQG 1719 Thức đẩy đời sống dân sinh vùng DTTS 1
Mô hình trồng bưởi của gia đình anh Trần Văn Đợi, dân tộc Cơ Tu ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế)

Xác định nội dung tạo sinh kế và đầu tư cơ sở hạ tầng, là nội dung trọng tâm để thay đổi đời sống dân sinh vùng DTTS. Khi được phân bổ nguồn vốn để thực hiện, Nam Đông đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả như cam, chuối, dứa, ổi…. Từ mô hình trực quan, chính quyền địa phương cấp xã tiến hành khảo sát hộ đồng bào có đủ điều kiện về nhân lực, đất đai… để hỗ trợ nguồn vốn để nhân rộng mô hình. Đến nay, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, đã hỗ trợ cây giống cho khoảng 200 hộ đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông.

Từ nguồn cây giống này, nhiều hộ đồng bào đã có sinh kế, từng bước phát sinh thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Tiêu biểu như, mô hình trồng bưởi của gia đình anh Trần Văn Đợi, dân tộc Cơ Tu ở thôn A Giang, xã Thượng Long, huyện Nam Đông. 

Với lợi thế có đất vườn đồi, gia đình anh Đợi được Hội Nông dân xã chọn để hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG để triển khai trồng bưởi. Để mở rộng quy mô, gia đình anh Đợi vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng thêm 90 gốc. Đến nay, vườn bưởi phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch.

Cùng với đó, gia đình anh Đợi nuôi thêm 5 con bò vàng, trồng 3ha keo và nuôi 100 con gà/lứa. Từ nguồn hỗ trợ bước đầu và sự chăm chỉ của các thành viên, những năm gần đây, gia đình anh Trần Văn Đợi có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Cùng với hỗ trợ cây giống, Nam Đông cũng chú trọng đến lợi thế chăn nuôi đại gia súc. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719,  xã Thượng Long đã hỗ trợ bò giống cho 20 hộ gia đình đồng bào Cơ Tu, với tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Đây là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, thiếu kiến thức nhưng có ý chí muốn vươn lên thoát nghèo. Trong đó, mô hình nuôi bò vàng dưới tán cao su của gia đình ông Hồ Sỹ Thi ở thôn Ta Rung, xã Hương Sơn là mô hình hỗ trợ thoát nghèo tiêu biểu.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, tuyến đường giao thông vào khu định canh, định cư Ta Rinh, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông đang được đầu tư xây dựng
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, tuyến đường giao thông vào khu định canh, định cư Ta Rinh, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông đang được đầu tư xây dựng

Bên cạnh hỗ trợ phát triển mô hình sinh kế để cải thiện đời sống dân sinh, Chương trình MTQG 1719 cũng góp phần rất lớn, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi ở Nam Đông. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư xây dựng 23 công trình ở Nam Đông, với tổng trị giá gần 60 tỷ đồng. 

Trong đó, có những nhóm công trình có mức tác động lớn đến đời sống dân sinh như: đường giao thông nội bản, công trình nước sạch, trường học…; Đặc biệt ở nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, đến nay đã có trên 200 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: “Chương trình MTQG 1719 đã tạo ra động lực mạnh mẽ làm thay đổi đời sống dân sinh vùng DTTS ở Nam Đông. Hiện nay, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh vận động người dân thay đổi mô hình sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững”.