Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bà Rịa - Vũng Tàu: Triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử

Lê Vũ - 17:49, 01/12/2022

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản số 14967/UBND-VP đồng ý cho Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) triển khai Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn và Phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023.

Chương trình biểu diễn Đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức
Chương trình biểu diễn Đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức

Bà Rịa - Vũng Tàu là 1 trong 21 tỉnh, thành phố phía Nam có phong trào nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2013). Để bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật đờn ca tài tử, ngày 18/12/2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau 4 năm triển khai Đề án, bộ môn nghệ thuật này đã lan tỏa vào đời sống cộng đồng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong đó có hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Một khó khăn  nữa là số lượng người biết đờn và ca các bài bản đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh không nhiều. Hầu hết họ chủ yếu làm nghề tự do, cuộc sống mưu sinh vất vả trong khi không căn cứ, quy định nào trong đề án để hỗ trợ sinh hoạt định kỳ cho các câu lạc bộ và các thành viên. Do vậy muốn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử cần có sự quan tâm, động viên, hỗ trợ và nhiều mô hình hoạt động linh hoạt, đa dạng hơn để các hội viên có điều kiện duy trì sinh hoạt.

Một tiết mục tại Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ XI, năm 2021
Một tiết mục tại Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ XI, năm 2021

Theo đó, trong năm 2023, Sở VH-TT sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung như: Chương trình “Giai điệu Quê hương” giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (định kỳ mỗi tháng 1 lần); tập huấn nhằm trang bị kiến thức về nghệ thuật đờn ca tài tử cho đội ngũ giáo viên dạy các môn âm nhạc ở các trường tiểu học và THCS (4 lớp/năm); nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật đờn ca tài tử trong các trường học trên địa bàn tỉnh (10 buổi/năm); tổ chức truyền dạy, viết lời mới đờn ca tài tử cho giáo viên (1 buổi/năm); trình diễn đờn ca tài tử phục vụ Nhân dân trong tỉnh (1 chương trình/năm); giao lưu các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh (4 lần/năm); giao lưu đờn ca tài tử với các tỉnh khu vực Nam Bộ (quý II/2023). 

Bên cạnh đó là củng cố, phát triển hệ thống câu lạc bộ đờn ca tài tử; hướng dẫn tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ đờn ca tài tử cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh (quý III/2023). Đồng thời xây dựng các chính sách đãi ngộ nghệ nhân như: Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh; tiếp tục rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn và hướng dẫn cho các đối tượng có đủ điều kiện, thành tích, thời gian cống hiến để lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa” và “Nghệ nhân ưu tú” cho tài tử, nghệ nhân trong tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.