Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ba Vì (Hà Nội): Nâng cao đời sống người dân từ chương trình xây dựng NTM

Mai Hương - 19:30, 26/08/2023

Đi lên từ xuất phát điểm thấp của một huyện miền núi có nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân, đến nay, 30/30 xã của huyện Ba Vì đã được Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 4/30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trung tâm huyện Ba Vì nhìn từ trên cao
Trung tâm huyện Ba Vì nhìn từ trên cao

NTM góp phần "thay da đổi thịt" khu vực nông thôn

Là hai xã trong 4 xã được huyện chọn về đích xây dựng NTM nâng cao trong năm 2023. Do vậy, cán bộ, Đảng viên, Nhân dân hai xã Đông Quang và Phong Vân đã nỗ lực đoàn kết chung sức để về đích NTM nâng cao gắn với cuộc thi xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Thời gian qua, Nhân dân xã Đông Quang vẫn coi việc vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, trụ sở công cộng, nơi làm việc là việc làm thường xuyên, nhiều tấm gương vì cộng đồng đã tự nguyện vệ sinh môi trường hàng ngày. Nét mới là toàn xã có 540 hộ đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Không dừng lại ở việc vệ sinh, phân rác thải tại nguồn, nhiều khu đất trống, nhiều tuyến đường hoa đã được Nhân dân chung sức để trồng cây xanh và hoa. Do vậy, toàn xã đã trồng được hơn 1.000 cây các loại.

Về tiêu chí sáng, thực hiện sáng vào ban đêm là văn minh, nông thôn gần tiến tới đô thị về sự phát triển, Nhân dân ở Đông Quang đã đóng góp, lắp mới 80 đèn led, đèn năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng. Tiếp tục đẩy mạnh việc huy động sức dân để trát tường, vẽ tranh bích họa. Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, toàn xã đã trát, sơn được 5200 m2 tường, trong đó: trụ sở UBND xã 320 m2; xóm Hoà Bình thôn Quang Húc 3.500m2 tường bao, xóm Hoàng thôn Cao Cương được hơn 1.380 m2. Vẽ mới được hơn 450 m2 tranh bích hoạ, treo hơn 2.500m chậu hoa các loại trên các đoạn tường chưa được vẽ.

Bên cạnh đó, các thôn đã vận động nguồn xã hội hoá để lắp 25 mắt camera an ninh với số tiền lên tới 120 triệu đồng. Lắp Wifi công cộng tại các điểm nhà văn hoá thôn, đình, chùa. Đã có 03/03 thôn đã và đang triển khai gắn biển tên đường, số nhà, tạo nên sự văn minh, khoa học trong quản lý dân cư. 

Hiến đất làm đường cũng là điểm nhấn mà xã Đông Quang đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân Ngõ Hàng 2, thôn Đông Viên đã hiến 320m2 đất thổ cư, đất ruộng mở rộng đường đi, Nhân dân xóm Hoà bình thôn Quang Húc hiến 74 m2 đất thổ cư mở rộng đường đi chung.

Xã Đông Quang luôn nỗ lực xây dựng NTM nâng cao gắn với cuộc thi xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn
Xã Đông Quang luôn nỗ lực xây dựng NTM nâng cao gắn với cuộc thi xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện Ba Vì thiếu đồng bộ, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng nhỏ lẻ manh mún. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn khi thu nhập bình quân/người chỉ đạt 21,7 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao, chiếm 15,1%. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đã tạo một luồng sinh khí mới, làm "thay da đổi thịt" mọi mặt của khu vực nông thôn một cách toàn diện, trọn vẹn. Huyện cũng bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Phú Phương, Tản Hồng, Sơn Đà và Vạn Thắng. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Phú Đông, Phong Vân, Minh Quang và Đông Quang) và xã Tản Hồng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Về phát triển kinh tế nông thôn, trên địa bàn huyện có 118 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động (trong đó có 97 hợp tác xã nông nghiệp, 2 hợp tác xã công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, 17 hợp tác xã dịch vụ khác, 2 quỹ tín dụng nhân dân) và 184 trang trại. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa Vietgap 40 ha tại các xã Phú Đông, Đông Quang, Minh Quang, Phong Vân bằng giống VNR20. Bên cạnh đó, còn có mô hình lúa cá, với diện tích 2 ha tại xã Vạn Thắng…

Chính nhờ vậy, đời sống Nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được người dân nắm bắt và thực hiện tốt.

ư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ đồng bào dân tộc Mường sinh sống trên địa bàn huyện Ba Vì
Tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ đồng bào dân tộc Mường sinh sống trên địa bàn huyện Ba Vì

Giữ vững tiêu chí của xã NTM và xã NTM nâng cao

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch UBND huyện Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng và giữ vững tiêu chí của xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, đảm bảo hiệu quả. Đối với các xã NTM nâng cao NTM kiểu mẫu năm 2023, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc các xã thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo kế hoạch được duyệt. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí và hồ sơ xã NTM nâng cao (Phong Vân, Phú Đông, Đông Quang, Minh quang) và nông thôn mới kiểu mẫu (Tản Hồng) trình Thành phố thẩm định, xét công nhận trước tháng 12/2023…

Những cung đường bích họa đẹp như thơ tại huyện Ba Vì
Những cung đường bích họa đẹp như thơ tại huyện Ba Vì

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua huyện Ba Vì đã rất tích cực và đạt hiệu quả chuyển biến rõ rệt trong chương trình xây dựng NTM. Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, với định hướng rõ nét trong đồ án quy hoạch vùng huyện, huyện Ba Vì cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá để tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng của huyện. Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM với phương trâm “Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”...

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.