Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bắc Giang: Hỗ trợ nâng tầm sản phẩm OCOP

Vân Khánh - 16:25, 13/12/2022

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến tháng 10/2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt có những mặt hàng OCOP đã xuất khẩu đi nhiều nước, mang lại giá trị kinh tế cao cho các chủ thể, người nông dân.

Đoàn đại biểu cấp cao Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia tham quan phương pháp canh tác hiện đại tại Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng tỉnh Bắc Giang
Đoàn đại biểu cấp cao Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia tham quan phương pháp canh tác hiện đại tại HTX Rau sạch Yên Dũng

Khẳng định thương hiệu từ sản phẩm OCOP

Ngay khi tỉnh Bắc Giang triển khai Chương trình OCOP, đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chủ thể tham gia. Điển hình như HTX Rau sạch Yên Dũng, thôn Huyện, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng - một trong những HTX có diện tích trồng các loại dưa, rau theo tiêu chuẩn VietGAP lớn của huyện. HTX canh tác 6ha rau củ quả và gần 20ha liên kết ký hợp đồng trồng, bao tiêu sản phẩm, với các hộ dân bên ngoài. Mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 3-5 tấn rau, củ quả các loại.

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Xuân Kiên, Giám đốc HTX rau sạch Yên Dũng cho biết: Những năm 2017-2018, khi chưa có thương hiệu, chưa được chứng nhận OCOP, có thời điểm dưa chuột chỉ bán với giá từ 1.000-2.000 đồng. Khi triển khai Chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ về bao bao bì, nhãn mác, được ngành nông nghiệp hỗ trợ tham gia các đề tài của tỉnh. Khi đạt được chứng nhận OCOP, giá trị sản phẩm được nâng cao, dễ tiêu thụ hơn, HTX đẩy mạnh trồng dưa chuột quanh năm, bán tại vườn từ 20.000-26.000 đồng/kg. Doanh thu năm 2021 đạt khoảng 30 tỷ đồng.

Hiện nay, HTX có 4 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh gồm: Dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa chuột baby và dưa lê. “Thời gian tới, HTX tiếp tục đăng ký thêm một số sản phẩm khác. Cùng với đó nâng cấp bao bì, duy trì chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận”, ông Kiên cho biết thêm.

Quang cảnh Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022
Quang cảnh Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022

Một trong những đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, là HTX sản xuất, kinh doanh bún bánh Nông sản sạch Đa Mai, TP. Bắc Giang (HTX Đa Mai, thành lập năm 2017). Ngay từ khi tỉnh Bắc Giang thực hiện Chương trình OCOP, HTX Đa Mai đã chủ động nắm bắt thời cơ, triển khai thực hiện. 

Ngay trong năm 2019, sản phẩm bún khô của HTX Đa Mai đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao. Đến năm 2020, HTX có thêm 2 sản phẩm khác đạt 3 sao. Năm 2021, HTX có sản phẩm chè lam và kẹo lạc nằm trong danh sách sản phẩm OCOP tỉnh, nâng tổng số sản phẩm đạt OCOP của HTX lên con số 5.

Bà Lương Thị Diện, Phụ trách HTX Đa Mai chia sẻ: Trước đây, các sản phẩm chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ do chưa định hình được thương hiệu. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, được ngành chức năng của tỉnh quan tâm đưa đi trưng bày, giới thiệu, xúc tiến thương mại. Đến nay, sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến, thị trường tiêu thụ cũng mở rộng hơn. Bình quân, HTX cung cấp 3-4 tấn bún, bánh/ngày ra thị trường.

Đồng hành cùng các chủ thể OCOP

Sau 3 năm thực hiện chương trình sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Giang đã đạt được kết quả toàn diện, thu hút sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất, kinh doanh. Chương trình OCOP đã tạo sự lan toả rộng khắp, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần nâng tầm vị thế sản phẩm nông sản của địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang: 100% sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và được kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi đưa ra thị trường. Tỉnh Bắc Giang cũng xác định, sẽ duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm này. Bởi lẽ, sản phẩm khi đã được công nhận lưu thông tốt hơn, giá bán cũng cao hơn.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chương trình OCOP, tỉnh có các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia như: tem nhãn, mác bao bì, kiểm nghiệm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ gian hàng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Giang
Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Giang

Riêng năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường. Phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương…

Theo kết quả đánh giá, phân hạng của Hội đồng OCOP cấp tỉnh, trong tổng số 31 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP đợt 1 năm 2022 của Bắc Giang, có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Có 8 sản phẩm đạt 4 sao; trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt OCOP 5 sao là vải thiều Lục Ngạn của Hợp tác xã Hồng Xuân. Có 22 sản phẩm đạt 3 sao.

Như vậy, cùng với các sản phẩm OCOP đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và số sản phẩm được công nhận đợt 1 năm 2022, đến tháng 10/2022, tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 2,07 % tổng sản phẩm OCOP toàn quốc). Bao gồm: 42 sản phẩm 4 sao (chiếm 23,3%) và 138 sản phẩm 3 sao (chiếm 76,7%), trong đó có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 01 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Dự kiến đợt 2 năm 2022, có thêm 69 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao; 67 sản phẩm 3 sao (bao gồm 48 sản phẩm đăng ký mới; 20 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại và 01 sản phẩm tăng sao). Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng tờ trình cấp thẩm quyền xem xét, ra Quyết định phê duyệt công nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2022.

Theo kế hoạch, năm 2022, Bắc Giang phấn đấu có thêm từ 25 đến 30 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 đến 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm cấp quốc gia, đạt 5 sao. Các sản phẩm được quan tâm xây dựng là vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ,... Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu nâng hạng sao từ 5 đến 10 sản phẩm OCOP trong năm 2022.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.