Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bắc Giang: Quản lý, giám sát nghiêm ngặt mã vùng của vải thiều

Nghĩa Hiệp - 18:28, 06/05/2021

Những năm gần đây, vải thiều là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu ra thị trường quốc tế của tỉnh Bắc Giang. Để duy trì chất lượng, thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kể cả những thị trường khó tính, tỉnh Bắc Giang đã giám sát nghiêm ngặt các mã vùng trồng, đảm bảo cây vải được chăm sóc, thu hoạch theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Các quy trình chăm sóc cây vải đều được anh Vũ Văn Mến, người trồng vải tại Lục Ngạn ghi lại tỉ mỉ.
Các quy trình chăm sóc cây vải đều được anh Vũ Văn Mến, người trồng vải tại Lục Ngạn ghi lại tỉ mỉ.

Cơ hội để nâng cao giá trị kinh tế

Bắc Giang có 103 ha, với 19 mã vùng vải được trồng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; có 107 hộ dân thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp (Lục Ngạn), Phúc Hòa (Tân Yên) tham gia trồng vải ở 19 mã vùng này.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Mùa vải năm trước, đã từng có những lô hàng giả đóng gói mã số vải của huyện Lục Ngạn để xuất sang Trung Quốc, qua cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Từ thực tế này, đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp phép và thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc nông sản để đảm bảo uy tín, chất lượng vải thiều của Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung.

Nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành làm thủ tục cấp chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Sau hơn 3 năm từ khâu chuẩn bị hồ sơ; cung cấp các tài liệu chứng minh vải thiều Lục Ngạn khác biệt so với các địa phương khác, trong tháng 3 vừa qua, vải thiều Bắc Giang đã được Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản bảo hộ và cấp bằng chỉ dẫn địa lý. (Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể).

Anh Vũ Văn Mến, người dân trồng vải tại Lục Ngạn theo mã vùng để xuất khẩu cho biết: “Từng loại vật tư, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, tên thuốc, số lượng, người mua, địa chỉ mua... đều được chúng tôi ghi lại cẩn thận. Nếu như trước đây, việc chăm sóc, bón phân không cần ghi chép, thì giờ chúng tôi đều phải ghi chép tỉ mỉ. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc từ phía công ty xuất, nhập khẩu vải, qua đó họ sẽ theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng”.

Với việc vải Lục Ngạn được cấp “giấy thông hành” sang thị trường khó tính như Nhật Bản, đã giúp đầu ra cho cây vải được ổn định và hướng tới sự phát triển bền vững. Nhiều hộ nông dân tại huyện Lục Ngạn đã đăng ký tham gia trồng vải sạch theo hướng VietGAP, GlobalGAP và cam kết thực hiện nghiêm ngặt các quy định đề ra. Nhờ đó, giá vải xuất khẩu của huyện Lục Ngạn năm nay, dự kiến sẽ cao hơn mức bình thường từ 15-25%.

Vùng trồng vải theo chỉ dẫn địa lý và mã vạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Vùng trồng vải theo chỉ dẫn địa lý và mã vạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Thêm chính sách hỗ trợ phát triển

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2021 diện tích vải thiều toàn tỉnh là 27.700 ha, sản lượng dự kiến là 160.000 tấn. Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn diện tích là 15.450 ha, sản lượng dự kiến trên 120.000 tấn.

"Tỉnh Bắc Giang đặt kỳ vọng vào vụ vải năm nay, dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trên 1.000 tấn vải. Chúng tôi cũng hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản, chế biến vải thiều sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vải thiều theo chuỗi giá trị", ông Mai Sơn, Phó chủ tịch tỉnh chia sẻ

Theo ông Mai Sơn, với mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành một trong những địa phương xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp khác. Ví dụ như, tỉnh hỗ trợ 50% chi phí tư vấn, thiết kế, đăng ký với mức tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu; 50% thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu mã bao bì sản phẩm, với mức tối đa 200 triệu đồng trên một sản phẩm; 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc với mức tối đa 20 triệu đồng trên một sản phẩm..

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Không chỉ làm cho địa danh Hương Khê (Hà Tĩnh) trở nên nổi tiếng, loài bưởi Phúc Trạch cũng mang lại sự giàu có, phồn thịnh cho người dân ở địa phương. Để thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” tiếp tục phát triển ổn định và vươn xa, mang lại nhiều cơ hội tăng nguồn thu nhập cho người dân, huyện Hương Khê và người trông bưởi đã thực hiện nhiều giải pháp để quảng bá thương hiệu bưởi Phúc Trạch.