Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Bắc Giang: Thúc đẩy phát triển Hợp tác xã vùngDTTS và miền núi

Trang Diệp - 18:57, 22/05/2023

Trong Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021-2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Thành viên HTX Gà núi Hương Sơn chăm sóc đàn gà. (Ảnh Int)
Thành viên HTX Gà núi Hương Sơn chăm sóc đàn gà. (Ảnh Int)

Quan tâm hỗ trợ phát triển KTTT

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy KTTT ngày càng phát triển.

Mới đây, HĐND tỉnh Bắc Giang đã thông qua Nghị quyết quy định về mức chi hỗ trợ đào tạo đối với thành viên, người lao động của tổ chức KTTT và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các tổ chức KTTT và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai triệt để các nội dung liên quan đến công tác đào tạo, khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ, năng lực về công tác, làm việc tại tổ chức KTTT theo Quyết định số 1804 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động kế toán, kiểm toán trong các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; sắp xếp lại tổ chức Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh; thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX…

Đặc biệt, ngày 29/3/2023, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà làm việc và khu trưng bày giới thiệu sản phẩm HTX của Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX, với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng.

Liên minh HTX tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp như hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các tổ chức KTTT hoạt động, vay vốn với lãi suất ưu đãi; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại cho các HTX, liên hiệp HTX; xây dựng, phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS…

Lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên tham quan mô hình sản xuất cao từ thảo mộc của HTX Dược liệu Thiện Tâm, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế. (Ảnh Int)
Lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên tham quan mô hình sản xuất cao từ thảo mộc của HTX Dược liệu Thiện Tâm, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế. (Ảnh Int)

Trợ lực cho các HTX vùng đồng bào DTTS

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện số HTX ở vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh là gần 140 đơn vị, trong đó 50 đơn vị tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn với tổng vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng. Qua đánh giá, các HTX đã khai thác tốt lợi thế, phát triển ổn định và giữ được nghề truyền thống của đồng bào.

Ví như để đáp ứng nhu cầu trồng mới 4,5 - 4,7 nghìn ha rừng mỗi năm trên địa bàn huyện, nhiều hộ dân tại xã Yên Định (Sơn Động) làm vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Trước đây, các hộ ươm đều “mạnh ai đấy làm”, nhiều hộ phát triển song cũng không ít trường hợp phải bỏ nghề do không tìm được chỗ đứng.

Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, giữa năm nay, HTX Yên Sơn được thành lập với 7 thành viên là những hộ đồng bào DTTS tham gia ươm giống cây trên địa bàn xã. Sau khi thành lập, thành viên HTX thường xuyên trao đổi kỹ thuật, chia sẻ khách hàng để cùng phát triển.

Hay như tại xã Hương Sơn - xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang với 56% dân số là đồng bào DTTS. Cuộc sống của người dân xã Hương Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế về địa hình, vài năm gần đây, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà thả đồi. Đến nay, toàn xã có 100 hộ trồng dứa với khoảng 150 ha, gần 2 chục hộ chăn nuôi gà với quy mô 6 - 10 nghìn con/lứa; các hộ này đều có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Để khai thác thế mạnh này, mở rộng diện tích trồng dứa và nuôi gà, tháng 7/2021, UBND xã định hướng, hỗ trợ các hộ thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn và HTX Gà núi Hương Sơn. Tham gia HTX, các thành viên, chủ yếu là đồng bào DTTS, được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường.

Nhằm khai thác tối đa lợi thế tại vùng đồng bào DTTS, từ năm 2021, Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh có chương trình phối hợp, cùng hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền, vận động thành lập mới các HTX trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Phối hợp các hoạt động khởi nghiệp, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi trên nhu cầu thực tế, tiềm năng và lợi thế vùng.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Trong giai đoạn 2021 - 2025, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ thành lập mới 5 - 10 HTX tại vùng DTTS và miền núi, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất…".

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 1.027 HTX, tăng 22 HTX so với cuối năm 2022, với 35.349 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ 2.476 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là 674 HTX; lĩnh vực phi nông nghiệp là 333 HTX và 20 quỹ tín dụng nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.