Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bắc Giang với công tác giữ gìn ngôn ngữ các DTTS: Vì sao lớp trẻ không còn mặn mà với tiếng mẹ đẻ (Bài 1)

Trí Phương - 07:16, 18/11/2023

Tiếng nói, chữ viết của các DTTS trên địa bàn Bắc Giang đang có nguy cơ bị mai một, bởi vậy việc bảo tồn, gìn giữ tiếng dân tộc trong đời sống cộng đồng là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa phát huy vai trò di sản ngôn ngữ, giữ gìn bản sắc văn hóa.

Tỉnh Bắc Giang hiện có trên 1,8 triệu người, với 45 thành phần dân tộc. Đây là tỉnh miền núi có số người DTTS chiếm trên 14% dân số toàn tỉnh, với khoảng 260.000 người. Các huyện có đông người DTTS sinh sống thành cộng đồng gồm Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Trong đó, có 6 dân tộc có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan và Sán Chí), Dao, chiếm 97% dân số là người DTTS, còn lại là các thành phần dân tộc khác.

Cần thiết việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là việc làm cần thiết

Không còn mặn mà với tiếng nói của dân tộc mình

Hiện nay đã có nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như ngôn ngữ, lễ hội, kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đặc biệt là ngôn ngữ gồm, tiếng nói, chữ viết của 6 dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay, Dao... đang dần bị mai một theo thời gian. Các dân tộc này đều có bản sắc văn hóa và tiếng nói riêng (không có chữ viết riêng); việc hình thành, lưu truyền bản sắc văn hóa của họ từ ngàn xưa tới nay, đều thông qua tiếng nói và truyền miệng.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển, hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa diễn ra nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến đời sống tại vùng đồng bào DTTS. Nhiều dân tộc không sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp hàng ngày, hoặc còn rất ít người biết nói tiếng dân tộc, thậm chí việc mặc trang phục và nói tiếng dân tộc chưa được cộng đồng coi trọng. 

Đây là nguyên nhân ngày càng mai một và suy giảm nhanh chóng số người nói được "tiếng mẹ đẻ", trong đó đáng lo ngại là thanh thiếu niên, thế hệ có trách nhiệm kế tục gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho đời sau.

Khi được hỏi về việc sử dụng tiếng dân tộc Dao của mình trong cuộc sống hàng ngày, em Triệu Văn L, bản Văn Non, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam cho biết: “Về nhà thì các ông, các bà các bác nói rất nhiều. Em cũng hiểu nhưng ít nói lắm. Bây giờ đi học hoặc đi làm xa, nói tiếng dân tộc, nhiều khi người ta không hiểu mình cũng thấy ngại ngại”.

Chị Tống Thị V, người Cao Lan, thôn Đèo Quạt thì ngậm ngùi chia sẻ: “Giờ tiếng Cao Lan thì mọi người chỉ thỉnh thoảng nói chuyện với nhau. Còn đội trẻ thì hầu như không nói nữa, nhiều khi ông bà, bố mẹ nói cũng không hiểu hết ý nữa cơ”.

Và cứ thế, sử dụng tiếng “mẹ đẻ” gần như ít được học sinh sử dụng khi đến trường. Chị Vi Thị Nh, một phụ huynh đang có con học cấp 3 cũng bày tỏ lo ngại: “Tiếng Tày dân tộc chúng tôi là chữ phiên âm, hiếm có sách truyền dạy tiếng dân tộc Tày. Hầu như là truyền miệng, bố mẹ ông bà dạy cho. Nhưng các con, các cháu thì không mặn mà. Về hỏi thì thấy bảo trên lớp cũng toàn nói tiếng Kinh, chứ không ai nói tiếng dân tộc bao giờ ”.

Trường THPT Tứ Sơn thuộc huyện Lục Nam, ngôi trường với hơn 45% học sinh là người DTTS. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng học sinh nói tiếng DTTS trong giao tiếp rất ít.

Trước thực trạng này, ngoài việc giảng dạy kiến thức, nhà trường còn mời các nghệ nhân về truyền dạy, tổ chức ngoại khóa cho các học sinh được tham gia trải nghiệm các hoạt động tìm hiểu về văn hóa, truyền thống các dân tộc...”, ông Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng trường THPT Tứ Sơn nhấn mạnh.

Nguy cơ mai một tiếng dân tộc

Tiếng nói- một trong những thành tố quan trọng nhất, cơ bản nhất của văn hóa dân tộc và cũng là tiêu chí để xác định thành phần dân tộc hiện đang đứng trước nguy cơ mai một.

Những ai quan tâm tới nền văn hóa các DTTS không khỏi giật mình khi tiếp cận số liệu về kết quả điều tra kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2019. Theo đó, số người DTTS còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình thấp tới mức "báo động đỏ".

Cuốn kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các DTTS tỉnh Bắc Giang năm 2019
Cuốn kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các DTTS tỉnh Bắc Giang năm 2019

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, trong tổng số 212.000 mẫu phiếu điều tra; chỉ có 1.100/26.411 người dân tộc Sán Chay được hỏi, còn nói được tiếng của dân tộc mình, chiếm 4,16%; tương ứng với các thành phần dân tộc khác là: Dao 145/10.000, chiếm 1,45%; Hoa 241/17.961, chiếm 1,39%; Tày 619/47.878, chiếm 1,29%; Nùng 755/81.462, chiếm 0,93%; Sán Dìu 131/29.275, chiếm 0,45%. 

Cũng với kết quả điều tra năm 2019, với tỷ lệ tương ứng về số người được điều tra còn nói được tiếng dân tộc tỉnh Thái Nguyên là: Dao 26,57%, Tày 16,99%,Thái 14,29%, Mường 9,2%...

Theo ông Lê Bá Xuyên, Phó Trưởng ban dân tộc tỉnh Bắc Giang, với thực trạng còn quá ít người DTTS có thể nói được tiếng mẹ đẻ của mình như kết quả điều tra nói trên, đặt ra nhiều việc phải làm cho cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang trong việc bảo tồn ngôn ngữ hiện nay.

Nội dung này sẽ được phản ánh trong những bài báo tiếp theo.


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.