Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Kỳ vọng đổi mới dạy và học tiếng DTTS của giáo dục miền núi

Kim Anh - 17:54, 24/02/2022

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) là môn học tự chọn. Để phát huy hiệu quả trong việc dạy và học tiếng DTTS, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 32/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Một tiết học tiếng Gia Rai tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai)
Một tiết học tiếng Gia Rai tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai)

Nhiều điểm mới khắc phục những bất cập

Thông tư 32 gồm 8 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; điều kiện tổ chức dạy học; quy trình đưa tiếng DTTS vào dạy học; nội dung, phương pháp và kế hoạch dạy học; hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chế độ chính sách và tổ chức thực hiện.

Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT), Thông tư 32 có nhiều quy định thay đổi so với Thông tư 50. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, bổ sung thêm đối tượng áp dụng “trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên” cho phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục 2019 (khoản 2 Điều 1 Thông tư 32).

Về bộ chữ, tại khoản 2 Điều 2 Thông tư mới đã bổ sung quy định: Đối với các tiếng DTTS có nhiều bộ chữ, việc lựa chọn bộ chữ để dạy học do Bộ GD&ĐT quyết định. Về chương trình và sách giáo khoa, để phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục 2019, khoản 3 Điều 2 Thông tư mới quy định: Chương trình môn học Tiếng DTTS do Bộ GD&ĐT ban hành, sách giáo khoa Tiếng DTTS được Bộ GD&ĐT phê duyệt”.

Từng có hơn 7 năm kinh nghiệm dạy tiếng Mông, cô Vàng Thị Nu (dân tộc Mông) - giáo viên Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết, hiện nay trường có duy nhất cô dạy tiếng DTTS. Lớp học có 35 em học sinh với đối tượng đa dạng các dân tộc khác nhau, như Mông, Thái, Sinh Mun, Khơ Mú…

Theo thống kê, năm 2020 - 2021, cả nước có 1.026 giáo viên tiếng DTTS, chiếm 0,2% tổng số giáo viên các cấp học phổ thông. Giáo viên dạy tiếng DTTS có ở cả 3 cấp học thuộc bậc học phổ thông. Trong đó, cấp tiểu học chiếm gần 90% số giáo viên tiếng DTTS trong cả nước.

Theo cô Nu, hiện nay bộ sách giáo khoa tiếng Mông chuẩn sử dụng theo phương ngữ địa phương của Lào Cai để dạy cho toàn bộ học sinh dân tộc trên cả nước. Qua nhiều năm dạy và học bộ chữ này, cô cho biết, phương ngữ trong sách còn khó nói và nhiều từ nói nặng. Do vậy, cô mong muốn Bộ GD&ĐT lựa chọn bộ chữ phù hợp với chương trình giảng dạy của các tỉnh.

Kỳ vọng đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thông tư 32 được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào việc giảng dạy, học tập nhằm góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào các DTTS.

Cô Nu bày tỏ mong muốn Thông tư 32 mới được ban hành, sẽ được áp dụng rộng rãi và thống nhất để việc dạy và học tiếng DTTS ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. Những hướng dẫn cụ thể, thống nhất về bộ chữ, chương trình và sách giáo khoa, đào tạo giáo viên tiếng DTTS, hay chế độ chính sách sẽ giúp việc dạy và học tiếng DTTS đạt hiệu quả hơn.

Sơn La thí điểm mở 16 lớp dạy chữ và tiếng dân tộc Thái trong trường học
Sơn La thí điểm mở 16 lớp dạy chữ và tiếng dân tộc Thái trong trường học

Đối với tiếng Mông, cô Nu bày tỏ mong muốn, Bộ GD&ĐT có các chương trình tập huấn cho giáo viên dạy môn tiếng Mông cả nước để nâng cao trình độ chuyên môn; thống nhất phương pháp dạy học để việc dạy học thực sự hiệu quả, việc giáo dục và tuyên truyền văn hóa dân tộc Mông được tốt hơn.

Thầy Hoàng Ngọc Toản, Hiệu trưởng Trường Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho biết, trường có 27 lớp với 481 học sinh tại 7 điểm trường khác nhau. Hiện nay, việc dạy tiếng Thái đang được thí điểm tại điểm trường trung tâm. Qua việc dạy tiếng Thái giúp ích nhiều trong việc dạy ngôn ngữ, văn hóa để giáo dục học sinh phát triển toàn diện.

“Chữ Thái cổ giảng dạy với học sinh độ tuổi từ lớp 3 - 5. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy đơn thuần, các em học sinh ở độ tuổi này sẽ rất nhanh quên. Bên cạnh đó, nếu với 1 bài đồng dao tiếng Thái cổ, học sinh chỉ học một vài câu sẽ không hiểu hết được ý nghĩa, do vậy cần phải có chương trình học cho học sinh từ lớp 1”, thầy Toản cho biết thêm.

Nói về Thông tư 32/2021/TT-BGDĐT mới ban hành, thầy Toản cho biết, sau khi Thông tư 32 được đưa ra, đã sát thực hơn với chương trình giảng dạy tiếng DTTS. Thầy Toản cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có chính sách chuẩn hóa giáo viên dạy tiếng DTTS để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đồng thời, tăng cường sự chủ động sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy, sử dụng các bài ca dao, tục ngữ, truyện kể dân gian, từ điển tiếng dân tộc để ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.