Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bắc Giang: “Vượt dịch” xuất khẩu vải thiều

Trình Hiệp - 21:20, 13/06/2021

Năm nay, Bắc Giang bội thu vụ vải thiều; sản lượng đạt 180.000 nghìn tấn, tăng 15.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, chính quyền cùng Nhân dân Bắc Giang đang từng bước “vượt dịch” đảm bảo an toàn trong khâu thu hoạch, bảo vệ an toàn vùng trồng vải; kết nối tiêu thụ, xuất khẩu đúng tiến độ với phương châm “vải không Covid”.

“Vải không Covid” vượt dịch lên đường đến thị trường Quốc tế. Ảnh: Tư liệu
“Vải không Covid” lên đường đến thị trường Quốc tế. Ảnh: Tư liệu

Vải trong "vùng an toàn"

Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ vải thiều năm 2021, tổng diện tích vùng trồng của tỉnh Bắc Giang là 28.100ha, trong đó có hơn 6.000 ha vải chín sớm với sản lượng 45.000 tấn, vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Theo khung lịch, thời gian thu hoạch đợt 1 bắt đầu từ ngày 20/5 đến 10/6; đợt 2 vào ngày 10/6 đến 20/7. 

Bà Mai Thị Phấn, một người trồng vải theo mã vùng an toàn của Nhật Bản ở huyện Lục Ngạn, cho biết, thu hoạch vụ vải này, chính quyền huyện, tỉnh luôn hộ trợ người dân kết nối với các đơn vị thu mua tận vườn. Phương tiện vào thu mua đều được kiểm dịch chặt chẽ, thương lái vào vùng vải được xét nghiệm Covid-19 đầy đủ, đảm bảo an toàn cho người nông dân, không làm gián đoạn thu hoạch vải năm nay.

"Tuy có khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất", bà Phấn nói.

Được biết, để đảm bảo kế hoạch sản xuất vải thiều an toàn, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều tập trung; tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều; lập các tổ chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 đối với người, phương tiện vào vùng vải thiều; kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế. 

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng liên kết chặt chẽ với các đơn vị vận tải, công ty xuất khẩu nông sản và có phương án, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thu mua vải trong vùng, đưa vải thiều Bắc Giang “lên đường” đúng hẹn với thị trường Quốc tế.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, ngay từ đầu vụ, vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các tập đoàn, siêu thị lớn như: Central Retail, Mega Market, Vinmart+...; các chợ đầu mối hoa quả ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. 

"Năm nay, tỉnh Bắc Giang trực tiếp mở rộng, phát triển thị trường tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đối với thị trường xuất khẩu, vải thiều sớm được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Trung Quốc... Vải Bắc Giang được chăm sóc tại “vùng an toàn dịch bệnh” không chỉ tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước mà còn là thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường Quốc tế", ông Sơn khẳng định.

Vải thiều không phải "giải cứu"

Được biết, tại thị trường Nhật Bản, ngay khi lô vải thiều đầu tiên được bày bán tại các siêu thị với giá 340.000 đồng/kg, với chất lượng vượt trội, an toàn, được truy xuất nguồn gốc,... ngay lập tức đã “cháy hàng”.

50 tấn vải đầu tiên của Việt Nam “cháy hàng” tại Nhật Bản, khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Vải thiều của Bắc Giang trong siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: Tư liệu

Chị Nguyễn Thị Thu Phương, người Việt Nam sinh sống tại Nhật cho biết, chị đã phải chờ rất lâu để được mua vải thiều Việt Nam tại Nhật. Không chỉ người Việt Nam, những người Nhật cũng đang săn đón loại quả này.

"Nhìn hoa quả Việt Nam vượt dịch để có mặt tại thị trường khó tính như Nhật Bản, tôi cảm thấy rất hãnh diện. Tôi rất mong sẽ sớm có thêm nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt ở nước Nhật, để những người con xa quê được thưởng thức những hương vị quê nhà”, chị Phương chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp vào ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm vải thiều để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Giá tiền các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55.000 đồng/kg. 

Quy trình chế biến vải thiều xuất khẩu đối với thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU... cũng được các cơ sở đảm bảo một cách nghiêm túc từ thu mua, đóng gói cho tới vận chuyển, trong đó các doanh nghiệp luôn chú trọng công tác khử khuẩn và đóng gói, đảm bảo “vải không Covid” khi đến với thị trường Quốc tế.

Với sự chung tay, góp sức của người dân cùng với chính quyền, vải thiều Bắc Giang vẫn đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và Quốc tế. 

“Việc “giải cứu nông sản Bắc Giang” là không đúng, bởi nông sản tại Bắc Giang vẫn đang được tiêu thụ ổn định. Bởi “giải cứu nông sản” sẽ làm giảm giá trị nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân”, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, khẳng định trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vào ngày 31/5.


Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.