Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bắc Hà (Lào Cai): Đưa lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Hào Hương - 9 giờ trước

Bắc Hà là địa phương có đông đồng bào DTTS (gần 60.000 người), thuộc 14 dân tộc anh em cùng sinh sống; mỗi dân tộc đều có những lễ hội truyền thống riêng. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, mà một trong những điều điều làm nên đặc trưng ấy chính là các lễ hội đều được gìn giữ nguyên dạng bản sắc.

Bắc Hà (Lào Cai): Đưa lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng
Qua nhiều năm tổ chức, Lễ hội đua ngựa ngày càng thu hút các nài ngựa trên địa bàn và các tỉnh bạn tham gia, trở thành ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc của huyện Bắc Hà, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Phát huy giá trị

Tháng 6/2024, cao nguyên trắng Bắc Hà tưng bừng trong chuỗi hoạt động của Festival mùa Hè, một sự kiện được người dân và du khách đón đợi. Với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”, diễn ra từ ngày 1/6 - 9/6, du khách đến với Bắc Hà đắm chìm trong không gian đầy màu sắc của lễ hội đua ngựa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Hà.

Theo ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà, phong tục diễu hành ngựa vào ngày ngọ đầu tiên của năm mới của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã có từ hàng trăm năm nay; nhằm cầu cho một năm mới bình an, mưa thuận, gió hòa.

Lễ hội đua ngựa tại huyện Bắc Hà là không gian bảo vệ và phát huy di sản văn hóa độc đáo, bảo tồn tập quán nuôi ngựa, tri thức trong chăm sóc ngựa của đồng bào các dân tộc phía đông bắc Lào Cai. Lễ hội được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào ngày 27/5/2021.

Sau mỗi lần diễu hành, thanh niên người Mông, người Tày, người Nùng… lại thường rủ nhau thi cưỡi ngựa, dần dần trở thành lễ hội truyền thống của địa phương. Nhưng trong một thời gian dài, do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, lễ hội đua ngựa truyền thống rất ít khi được tổ chức, dần bị mai một.

“Năm 2008, với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, huyện đã khôi phục và tái hiện Lễ hội đua ngựa truyền thống trong lần đầu tiên tổ chức Tuần văn hóa du lịch huyện Bắc Hà. Qua nhiều năm, lễ hội ngày càng thu hút các nài ngựa trên địa bàn và các tỉnh bạn tham gia, trở thành ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc của địa phương và khu vực, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước”, ông Vinh cho biết.

Chia sẻ của Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà được kiểm chứng từ mức tăng trưởng khách du lịch đến với địa phương trong 6 tháng năm 2024. Với Festival mùa Xuân và Festival mùa Hè, Bắc Hà đã đón 460.000 lượt khách, tăng 135.000 lượt khách so với cùng kỳ. Trong đó, với Festival mùa Hè, huyện thu hút khoảng 65.000 lượt khách du lịch, đạt 8,2% lượng khách dự kiến đến với Bắc Hà trong cả năm 2024.

Cùng với “nghiêng say vó ngựa cao nguyên” được tổ chức thường niên trong Festival mùa Hè, huyện Bắc Hà còn có rất nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, đã và đang trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo. Đặc biệt là trong Festival mùa Xuân, khi cao nguyên trắng huyền ảo trong sắc Mận, rất nhiều lễ hội đã được tổ chức, làm mê đắm du khách thập phương khi đến với Bắc Hà.

Bắc Hà (Lào Cai): Đưa lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng 1
Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, quan tâm duy trì, phát huy bản sắc văn hóa lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch, đưa cao nguyên trắng Bắc Hà trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách xa gần. (Trong ảnh: Du khách tham quan chợ phiên Bắc Hà)

Khi cao nguyên trắng tràn ngập sắc xuân thì cũng là lúc đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tổ chức các lễ huyện truyền thống của dân tộc mình. Đó là Lễ Hội Gầu Tào (hay còn gọi là Lễ hội Say sán) của dân tộc Mông, thường tổ chức từ ngày mùng 1 đến ngày rằm tháng Giêng; Lễ hội Xuống đồng “Lồng tồng” của dân tộc Tày, Nùng; Lễ hội Nhảy lửa người Dao đỏ, được tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày rằng tháng Giêng; Lễ cúng rừng của các dân tộc Mông, Phù Lá, Tày, Nùng… được tổ chức vào đầu tháng 2 âm lịch; Lễ hội Tết tháng Bảy (Khu Cù Tê) của người La Chí;...

“Các lễ hội giàu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đã thực sự tạo nét riêng cho du lịch vùng cao Bắc Hà, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến với cao nguyên trắng”, ông Bùi Văn Vinh khẳng định.

Bảo tồn nguyên dạng

Theo Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà, ông Bùi Văn Vinh, địa phương có nhiều nét riêng, hấp dẫn, hội tụ các yếu tố để trở thành khu du lịch đặc sắc của Lào Cai và khu vực Tây Bắc. Với 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng.

“Huyện đã và đang triển khai khôi phục, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động bảo tồn nhận được sự đồng thuận của bà con, sự hỗ trợ nhiệt tình của các nghệ nhân. Huyện kỳ vọng biến di sản, văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn thành tài sản, góp phần thu hút du khách”, ông Vinh cho biết.

Bắc Hà (Lào Cai): Đưa lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng 2
Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, Huyện Bắc Hà đã thực hiện bảo tồn và lưu giữ văn hóa nhảy lửa của người Dao đỏ.

Theo ông Vinh, trong quá trình phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào thành sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện Bắc Hà quan tâm gìn giữ nguyên dạng bản sắc. Đây là nguyên tắc được ưu tiên trước hết trong quá trình triển khai các chương trình, dự án bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, trong đó có Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).

Đơn cử như với Lễ hội Tết tháng Bảy của người La Chí ở xã Nậm Khánh, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Nhưng điều đáng lo là số người làm nghề thầy cúng và biết cúng Tê không nhiều và cũng đã cao tuổi; còn rất ít người biết dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc La Chí...

Để bảo tồn, phát huy đúng nguyên trạng Lễ hội Tết tháng Bảy, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với UBND xã Nậm Khánh mở lớp tập huấn, mời nghệ nhân am hiểu sâu sắc về văn hóa người La Chí từ Hà Giang sang hướng dẫn, khôi phục lại một số phong tục, tập quán đã bị thất lạc. Đồng thời mời các chuyên gia của Sở Văn hóa và Thể thao truyền đạt kỹ năng bảo vệ di sản văn hóa; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa.

“Huyện Bắc Hà đã thực hiện bảo tồn và lưu giữ văn hóa nhảy lửa của người Dao đỏ. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với UBND xã Nậm Đét tổ chức lớp truyền dạy nghi lễ này. Lớp học được Nghệ nhân Ưu tú Bàn A Ton - người lưu giữ văn hóa nhảy lửa của người Dao đỏ tại xã Nậm Đét - trực tiếp truyền dạy, với sự tham gia của 30 học viên là người Dao tại các xã Nậm Đét, Nậm Khánh, Bảo Nhai…”, ông Vinh cho biết.

Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Bắc Hà khôi phục lại một số phong tục, tập quán đã bị thất lạc trong Lễ hội Tết Tháng 7 (Khu Cù Tê) của người La Chí ở xã Nậm Khánh.
Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Bắc Hà khôi phục lại một số phong tục, tập quán đã bị thất lạc trong Lễ hội Tết tháng Bảy của người La Chí ở xã Nậm Khánh.

Những cách làm hay, sáng tạo trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bắc Hà đã mang lại những kết quả tích cực; được coi là hướng đi bền vững, giúp Bắc Hà hiện thực hóa “mục tiêu kép”, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống các dân tộc, vừa mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách, thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là một trong những nỗ lực của huyện trong việc thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719.

Theo ông Đặng Công Hải, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhằm khai thác những tiềm năng trở thành những sản phẩm, điểm hẹn hấp dẫn, huyện xác định rõ tài nguyên thiên nhiên và văn hoá giàu bản sắc truyền thống là yếu tố hấp dẫn của du lịch Bắc Hà. Trên cơ sở đó, huyện tiến hành rà soát các tài nguyên du lịch văn hoá nổi trội (trong đó có các lễ hội) mang đặc thù riêng của từng địa phương để bảo tồn những nét đặc sắc, thu hút du khách.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương, là sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, quan tâm duy trì, phát huy bản sắc văn hóa lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch, đưa cao nguyên trắng Bắc Hà trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách xa gần.

Cùng với lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, thì trên địa bàn huyện Bắc Hà hiện có nhiều lễ hội gắn liền với tiến trình lịch sử - văn hóa của huyện, thu hút du khách thập phương về tham bái. Đó là Lễ hội đền Trung Đô tổ chức ngày 15/7 âm lịch; Lễ hội đền Bắc Hà, tổ chức ngày 10/2 âm lịch hàng năm.

Tin cùng chuyên mục
Phục dựng Lễ tỉa lúa trong đời sống đồng bào Ba Na

Phục dựng Lễ tỉa lúa trong đời sống đồng bào Ba Na

Từ lâu Lễ tỉa lúa đã gắn liền với đời sống của đồng bào Ba Na ở Gia Lai. Vào tháng 3 hằng năm, trước mỗi mùa gieo trồng, cộng đồng người Ba Na họp lại, cùng nhau làm Lễ tỉa lúa để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp tạ ơn Thần lúa đã giúp bà con có mùa bội thu, thóc lúa đầy kho.