Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Bác Hồ trong trái tim đồng bào DTTS

Hồng Minh - Thúy Hồng - 10:02, 13/05/2020

Trong những ngày tháng Năm lịch sử, người dân Việt Nam lại cùng nhau nhớ về một ngày lễ đặc biệt - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Dù Bác đã đi xa, nhưng những câu chuyện, hình ảnh của Bác vẫn nguyên vẹn trong trái tim của mỗi người con Việt Nam, đặc biệt với đồng bào DTTS.

Bà Bế Thanh Súy thường xuyên kể chuyện được gặp Bác Hồ cho con cháu bà nghe.
Bà Bế Thanh Súy thường xuyên kể chuyện được gặp Bác Hồ cho con cháu bà nghe.

61 năm về trước, vào ngày 7/5/1959, bà Bế Thanh Súy được gặp Bác Hồ lần đầu tiên. Khi đó bà mới 13 tuổi, học lớp 4 tại Trường vùng cao Khu tự trị Thái - Mèo Thuận Châu (Sơn La). Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần đầu tiên ấy, trong trái tim bà vẫn vẹn nguyên ký ức về Bác.

Cầm trên tay bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ tại huyện Thuận Châu khi trò chuyện cùng chúng tôi, bà Súy không giấu được sự xúc động, bùi ngùi kể lại: “Hôm đó chúng tôi đến lớp thì được cô giáo thông báo hôm nay các em không học mà đi tặng hoa cán bộ. Niềm vui bất ngờ với chúng tôi và tất cả mọi người trên sân vận động khi được biết cán bộ là Bác Hồ. Tôi là người may mắn được ôm bó hoa tặng Bác. Khi nhận bó hoa, Bác cúi xuống cầm tay tôi hỏi: Cháu dân tộc gì? Thưa Bác, cháu dân tộc Thái ạ! Cháu thích múa, hát không? Thưa Bác có ạ! Rồi Bác nói với các bạn nhỏ: “Tây Bắc được giải phóng rồi, các cháu, các bạn sẽ được học hành, được múa hát…”.

Được gặp và trò chuyện với Bác, được nghe những lời động viên của Bác, bà Súy quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật. Cuối năm 1959, bà được tuyển chọn vào học khóa đầu tiên của Trường Múa Việt Nam. Trong thời gian học tại trường cũng là niềm vinh dự lớn lao khi bà lại được gặp Bác thêm hai lần nữa.

Trong lần thứ ba được gặp Bác Hồ, cũng là lần bà Súy cảm thấy vinh dự và xúc động nhất. Đó là vào năm 1962. Khi đó, bà cùng với Đoàn Thiếu nhi - đại diện cho thiếu nhi dân tộc miền núi đi tiếp Đoàn Thiếu niên Cuba.

Trong buổi gặp mặt, Bác lần lượt hỏi thăm từng bạn. Khi Bác đến gần, bà lấy hết can đảm: “Thưa Bác, Bác còn nhớ cháu không ạ?” Bác dừng lại một lát rồi nói: “Bác nhớ rồi, cháu tặng hoa Bác khi Bác lên Tây Bắc đúng không?”. Hai hàng nước mắt của tôi tuôn chảy. Bác nói: “Không khóc, không khóc, đấy là chuyện vui”. Rồi Bác dặn thêm: “Sau này ra trường phải về xây dựng quê hương, về dạy các bạn nhỏ những điệu múa đẹp”. Những lời dạy trìu mến, ân cần của Bác khiến bà Súy vô cùng xúc động và luôn khắc ghi trong lòng.

Sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, bà Súy trở về Tây Bắc làm giảng viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Trong quá trình giảng dạy bà luôn cùng các đồng nghiệp đi tuyển chọn các em học sinh DTTS đến trường theo học biểu diễn nghệ thuật. Học sinh của bà sau này đã có nhiều người được phong là Nghệ sĩ Nhân dân. Suốt những năm tháng cuộc đời, đã có biết bao thay đổi, thăng trầm, nhưng những cử chỉ, lời nói, dặn dò của Bác luôn tiếp thêm nghị lực để bà vươn lên trong cuộc sống, luôn học tập và làm theo lời Bác dặn.

Còn đối với ông Hoàng Tiến Xiêm, thôn Tân Trúc, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn (Lào Cai), dù đã 60 năm trôi qua nhưng hình ảnh Bác với bộ quần áo kaki bạc màu, chân đi đôi dép cao su chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của ông khi được gặp Bác nhân dịp kỷ niệm 18 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9.

“Sáng 1/9/1963, tôi từ Lào Cai về Thủ đô để cùng đoàn đại biểu tham dự sự kiện quan trọng này. Khi tôi cùng với mọi người đang trong hội trường của Phủ Chủ tịch thì Bác Hồ đến. Bác cười tươi vẫy tay chào bà con. Tôi đứng gần cửa, mặc trang phục của đồng bào dân tộc Dao, nên vinh dự là người đầu tiên được Bác đến nắm tay và hỏi thăm. Bác hỏi: Cháu ở đâu? Dân tộc gì? Khi tôi trả lời Bác, cháu ở Văn Bàn, là người dân tộc Dao thì Bác bảo: “Cháu là cán bộ thì phải cày ruộng chỗ khó, chỗ lầy, còn chỗ gần cho phụ nữ, người yếu sức…”, ông Xiêm nhớ lại.

Buổi gặp mặt Bác Hồ hôm đó, ông Xiêm còn được Bác tặng tập thơ “Nhật ký trong tù” đã được phiên âm từ chữ Hán sang tiếng Việt. Tập thơ đó đã được ông Xiêm cất giữ cẩn thận và học thuộc. Ông nhận thấy sự tương đồng giữa chữ Hán trong thơ Bác và chữ viết trong sách cổ của người Dao, từ đó ông đã dành nhiều thời gian để học chữ Dao qua các bản dịch thơ của Bác. Tập thơ Bác tặng đã trở thành động lực cho ông Xiêm học hỏi, nghiên cứu và truyền dạy chữ Nôm Dao cho các thế hệ đời sau.

Không chỉ bà Súy, ông Xiêm mà còn rất nhiều đồng bào DTTS đã may mắn, vinh dự được gặp Bác Hồ. Những tình cảm mà đồng bào dành cho Bác Hồ không chỉ là lòng kính trọng, biết ơn, mà còn trở thành hành động để bà con nêu gương, phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.

Câu chuyện của đồng bào Pa Kô (Tà Ôi), Bru - Vân Kiều, Cơ-tu ở một số huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… mang họ Hồ là một ví dụ điển hình về tình cảm của đồng bào DTTS đối với Bác. Toàn huyện A Lưới có gần 5 vạn dân, trong đó có tới 43,5% mang họ Hồ. Tại đây nhà nào cũng có ảnh Bác được đặt ở nơi trang trọng nhất. Nhiều người trong số họ đã thờ Bác Hồ bên cạnh ông bà, tổ tiên trong gia đình. Xúc động hơn nữa là tại nhiều bản làng vùng đồng bào DTTS, đồng bào đã dùng khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” treo trước cổng nhà hay cổng làng, như một lời khắc ghi đồng bào luôn nhớ ơn vị Cha già của dân tộc.

Hơn nửa thế kỷ qua, cảm xúc khi được gặp Bác, tình cảm nồng hậu của Bác, những lời dạy của Bác mãi là ký ức tươi đẹp, là động lực để đồng bào DTTS phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước...

Câu chuyện của đồng bào Pa Kô (Tà Ôi), Bru - Vân Kiều, Cơ-tu ở một số huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… mang họ Hồ là một ví dụ điển hình về tình cảm của đồng bào DTTS đối với Bác. Toàn huyện A Lưới có gần 5 vạn dân, trong đó có tới 43,5% mang họ Hồ. Tại đây nhà nào cũng có ảnh Bác được đặt ở nơi trang trọng nhất. Nhiều người trong số họ đã thờ Bác Hồ bên cạnh ông bà, tổ tiên trong gia đình.

Tin cùng chuyên mục
Đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể - Điều không dễ !?

Đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể - Điều không dễ !?

Cùng với Ca trù và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, hồ sơ Mo Mường đã được Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa vào danh sách này. Nhưng sau khi được đưa vào danh sách thì cần phải làm gì, làm như thế nào để đổi danh hiệu cho di sản, từ “cần được bảo vệ khẩn cấp” sang “đại diện của nhân loại” là điều không dễ.