Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Bắc Kạn: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền PBGDPL cho vùng đồng bào DTTS

Minh Nhật - 10:51, 07/11/2022

Những năm qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có được kết quả đó, là nhờ các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.

Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn phối hợp tổ chức Chương trình “Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống ma túy học đường trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” tại Trường THCS và THPT Nà Phặc, huyện Ngân Sơn. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn phối hợp tổ chức Chương trình “Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống ma túy học đường trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” tại Trường THCS và THPT Nà Phặc, huyện Ngân Sơn. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Theo thông tin từ Sở Tư Pháp tỉnh Bắc Kạn, công tác  phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới. Các phương pháp, hình thức tuyên truyền, được các sở, ngành, địa phương triển khai sinh động, sát với tình hình thực tế từng địa phương, cũng như nhận thức của đồng bào. Theo đó, các đơn vị đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều đề án PBGDPL trên phạm vi toàn tỉnh.

Một trong số đó, là việc thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017. 

Thực hiện đề án này, giai đoạn 2017 - 2021, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức 11 hội nghị tập huấn, tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền, tư vấn, vận động cho 502 người; tổ chức 2 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường tại 2 mô hình điểm, thu hút đông đảo người dân, học sinh tham dự.

Đơn cử, từ năm 2020, tại hai xã Cổ Linh và Bằng Thành (nơi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao của huyện Pác Nặm), Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai sân khấu hóa tuyên truyền mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” rồi nhân rộng ra toàn huyện. 

Trong các buổi tuyên truyền, người dân và các em học sinh được nghe đại diện Ban Dân tộc phổ biến các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, thông tin về thực trạng, hậu quả, tác hại, hệ lụy của vấn nạn này. Những tiểu phẩm được xây dựng bằng những tư liệu có thật, đã giúp bà con đồng bào DTTS nơi đây hiểu hơn về những hệ lụy mà hôn nhân cận huyết thống mang lại. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức và hành động trong hôn nhân, gia đình.

Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm PBGDPL với 3.050 quyển bản tin công tác dân tộc, 600 quyển bản tin tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, 300 quyển sổ tay hỏi đáp pháp luật, 1.369 quyển sổ tay dành cho Người có uy tín, in sao 100 băng đĩa hình tiếng dân tộc Mông và Dao, cấp 70 áp phích tuyên truyền cho 70 thôn có nguy cơ cao về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, 11 pa-nô và hơn 18.000 tờ gấp tuyên truyền… giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật.

Hội thi tuyên truyền PBGDPL tại huyện Ba Bể năm 2021. (Ảnh: Hoàng Chúc)
Hội thi tuyên truyền PBGDPL tại huyện Ba Bể năm 2021. (Ảnh: Hoàng Chúc)

Tương tự, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Kạn cũng xây dựng mô hình điểm “Lên tiếng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em” tại xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới); triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có dự án dành riêng cho phụ nữ “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Vì vậy, công tác tuyên truyền đang được các cấp hội tập trung triển khai, từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Vũ Thị Kim Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN TP. Bắc Kạn cho biết: Thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL, Hội đã chỉ đạo các cơ sở hội đa dạng nhiều hoạt động tuyên truyền, như: Triển khai tại các cuộc họp thôn, tổ; tổ chức các hội thi; hỗ trợ pháp luật trực tuyến... Các hoạt động này tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động cụ thể của các tầng lớp phụ nữ trong việc chấp hành quy định của pháp luật.

Với nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành trong những năm qua, công tác PBGDPL đối với vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Nhận thức, hành vi chấp hành pháp luật đồng bào các DTTS được nâng cao, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tác tuyên truyền PBGDPL, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, trong vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, hướng tới mục tiêu “xóa nghèo pháp luật” cho người dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL; phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động. Đa dạng hóa hình thức PBGDPL, chú trọng các hình thức phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của từng địa bàn và từng nhóm đồng bào DTTS...