Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bắc Kạn: Triển vọng mới từ cây mơ vàng

Hồng Phúc - 09:27, 25/02/2020

Mơ vàng là loại cây bản địa tiềm năng của Bắc Kạn. Những năm gần đây, với sự “bắt tay” giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của tỉnh, cây mơ vàng đang đem lại thu nhập khá cho người nông dân Bắc Kạn.

 Mơ vàng - loại cây trồng tiềm năng của Bắc Kạn đang mở ra cơ hội lớn cho người nông dân
Mơ vàng - loại cây trồng tiềm năng của Bắc Kạn đang mở ra cơ hội lớn cho người nông dân

Mơ vàng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít, lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở một số huyện thuộc tỉnh Bắc Kạn như: Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Đồn… Tuy nhiên, phần lớn diện tích cây mơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được trồng cách đây 20 - 25 năm do không được chăm sóc thường xuyên nên bị già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp, khiến bà con không còn “mặn mà” trồng mơ như trước.

Để cải tạo vườn mơ già cỗi, từ tháng 1/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Nông lâm nghiệp Thành Tây đã triển khai Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn cây ưu tú và phát triển cây mơ vàng tại tỉnh Bắc Kạn"; Dự án kéo dài đến tháng 12/2020.

Cây mơ sau khi được áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật như cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với tự nhiên, năng suất tăng từ 1 - 1,5 lần so với vườn không được chăm sóc cải tạo, chất lượng, mẫu mã quả to, đều, đẹp hơn. Giá bán quả mơ cũng đã được nâng lên, bình quân đạt 15.000 đồng/kg. Thu nhập từ cây mơ được nâng lên, bước đầu đã giúp người dân thay đổi nhận thức và tạo ra những hiệu quả tích cực cho quả mơ vàng. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Luyến, thôn Bản Đán, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông có 2ha mơ, vụ năm 2019, gia đình ông thu hoạch được 5 tấn quả, thu về hơn 60 triệu đồng.

Đặc biệt, từ loại quả này, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay với người nông dân để chế biến ra các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như: Nước giải khát, rượu mơ, ô mai... Nếu trước đây quả mơ trên địa bàn huyện Chợ Mới chủ yếu được tiêu thụ thông qua các thương lái, giá cả bấp bênh, ảnh hưởng đến tâm lý người trồng thì hiện nay đã tìm được đầu ra ổn định. Từ 2018, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã triển khai thu mua, chế biến nông sản như quả mơ, mận, gừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh Tây Bắc với công suất 2.000 tấn/năm. Điều này đã mở ra cơ hội lớn cho người trồng mơ trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng diện tích trồng mơ lên 561ha, sản lượng đạt hơn 2.000 tấn/vụ. Đây là điều kiện để quả mơ có đầu ra ổn định lâu dài, là cơ hội rất thuận lợi cho cây mơ trên địa bàn tỉnh phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.