Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Thoát nghèo nhờ hồng không hạt

HỒNG MINH - 10:54, 14/10/2019

Vào thời điểm này, tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn, người dân đang tất bật thu hoạch chính vụ sản phẩm hồng không hạt - loại cây chủ lực của địa phương hiện nay. Năm 2013, hồng không hạt Bắc Kạn đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý và nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Với bước đệm quan trọng đó, cây hồng không hạt đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hồng không hạt được bày bán tại Tuần lễ giới thiệu nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn ở siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội.
Hồng không hạt được bày bán tại Tuần lễ giới thiệu nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn ở siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội.

Gia đình chị Triệu Thị Hảo, thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) trồng 160 gốc hồng không hạt, hiện nay đều đã cho thu hoạch. Chị Hảo cho biết, tuy năm nay hồng không được mùa, sai quả như mọi năm, nhưng có hợp tác xã (HTX) bao tiêu sản phẩm nên cũng đỡ. Với giá bán tại vườn là khoảng 30 nghìn đồng/kg, 160 gốc hồng của gia đình chị cũng mang về hơn 100 triệu đồng. Đây là số tiền lớn, so với trồng lúa hiệu quả cao hơn nhiều.

Cũng như gia đình chị Hảo, anh Đồng Văn Hạc cùng các thành viên trong HTX Đồng Lợi, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ trồng hồng không hạt. Anh Hạc cho biết, hồng không hạt là loại quả đã có trên vùng đất Ba Bể từ lâu, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, khi có chính sách phát triển nông sản tại địa phương thì cây hồng mới thực sự đem lại giá trị kinh tế cho người dân như hiện nay. 

Ông Nguyễn Văn Dong, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, cho biết, hồng không hạt là một trong những cây trồng chủ lực được khuyến khích trồng ở nhiều vùng trong huyện. So với cây trồng khác, hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và hướng tới làm giàu. Nhờ chuyển đổi cây trồng, đưa các giống hồng năng suất, chất lượng tốt vào trồng nên huyện đã ra khỏi huyện nghèo 30a.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, diện tích hồng không hạt đạt 677ha, diện tích dự kiến cho thu hoạch 395ha, sản lượng ước đạt 1.739 tấn. Sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP là 43ha, trồng mới trong năm 2018 là khoảng gần 100ha. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, nhằm khuyến khích phát triển loài cây quý này, tỉnh đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm đánh giá, tuyển chọn cây đầu dòng, nhân giống, xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo, phục tráng hồng. Qua đó bình tuyển được 44 cây hồng đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, xây dựng được các vườn ươm, hằng năm cung cấp khoảng 20.000 cây giống tốt cho người dân.

Để cây hồng không hạt thực sự giúp người dân xóa nghèo, ngoài việc khuyến khích người dân trồng loại cây ăn quả này, các ngành chức năng còn quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản quả để nâng cao năng suất, chất lượng quả nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân; đồng thời, tạo đầu ra ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Tỉnh đang tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các tuần lễ giới thiệu sản phẩm tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đặc biệt là liên kết với các hệ thống siêu thị lớn như Big C, CoopMart… để đưa sản phẩm hồng không hạt nói riêng và các nông sản đặc sản địa phương nói chung vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn) vừa phối hợp với Big C Thăng Long tổ chức Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019 tại siêu thị Big C Thăng Long. Đây là cơ hội để các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn nói chung có cơ hội tiến xa.


Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.