Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bạc Liêu: Hướng đến xoá trắng hộ nghèo

Hạnh Nguyên - 17:52, 03/12/2020

Với việc giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (bình quân hàng năm giảm hơn 3% so với Nghị quyết Đại hội XV giao là 2%) đã đưa Bạc Liêu trở thành một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo của khu vực và cả nước. Với mục tiêu chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững, Bạc Liêu đang hướng đến xóa trắng hộ nghèo trong thời gian tới.

Ban dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu trao nhà tình thương cho hộ đồng bào dân tộc Khmer năm 2020
Ban dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu trao nhà tình thương cho hộ đồng bào dân tộc Khmer năm 2020

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu chủ yếu là dân tộc Khmer với 15.980 hộ/69.606 khẩu. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao với trên 17,76% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo cho đồng bào Khmer, ngay từ đầu năm 2020, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó góp phần đổi thay bộ mặt phum sóc và cải thiện đời sống người dân.

Bà Phan Thanh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thông tin: xã có trên 70% số hộ là dân tộc Khmer. Thời gian qua, với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cuối năm 2019 xã đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 166 hộ. Hiện tại, ngoài các đơn vị, ban ngành của thành phố đang trực tiếp giúp đỡ 166 hộ cận nghèo, xã cũng đã phân công 13 chi bộ trực tiếp quan tâm, hỗ trợ hộ cận nghèo bằng cách vận động tặng nhu yếu phẩm, tạo mô hình sinh kế để hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên. Bằng tất cả quyết tâm, địa phương phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ không còn hộ cận nghèo trên địa bàn.

Năm 2016, toàn tỉnh Bạc Liêu có 30.855 hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều (tỷ lệ 15,55%). Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã giảm được hơn 28.000 hộ nghèo (tương đương tỷ lệ giảm 14,67%), đưa số hộ nghèo giảm xuống còn 2.776 hộ (tương đương 1,24%). Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hơn 3%/năm, vượt 1% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống dưới 0,5%.

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân cùng sự trợ sức của các tổ chức từ thiện - xã hội, doanh nghiệp, nên công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Những ngôi nhà tạm bợ được thay thế bằng những căn nhà kiên cố, hộ nghèo được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản, trẻ em được chăm lo phát triển toàn diện, được học hành đến nơi đến chốn, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề, có việc làm ngày càng nhiều... nên đời sống bà con đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh dần được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Ông Trần Hoàng Duyên, nguyên Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: Tính đến cuối tháng 10 trước khi ông nghỉ hưu, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cũng đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 30 căn nhà tình thương cho hộ dân tộc Khmer nghèo (mỗi căn trị giá từ 30 - 50 triệu đồng); hỗ trợ trên 3.500 suất quà, tặng 15 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo...

Trong việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho hộ nghèo, các tổ chức đoàn thể đã tiên phong và tham gia tích cực vào phong trào này. Song song đó, việc cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp; nhà hảo tâm trong tỉnh Bạc Liêu những năm qua, nhận “đỡ đầu” hộ nghèo cũng đem lại hiệu quả thiết thực, được đông đảo nhân dân hoan nghênh, góp phần giảm nghèo nhanh và nâng cao đời sống xã hội tại địa phương.

Với mục tiêu chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI xác định, từ nay đến năm 2025 phải giảm nhanh hộ nghèo với chỉ tiêu giảm hộ nghèo còn dưới 1% và hướng đến “xóa trắng” hộ nghèo.

Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này và hướng đến giảm nghèo bền vững, ông Vương Phương Nam,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong giai đoạn tới, tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các địa phương chủ động điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, tham mưu đề xuất trình cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung, điều chỉnh các mô hình sinh kế.

"Theo đó, sẽ chú trọng gắn kết giữa giảm nghèo và đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là tạo điều kiện cho lao động trong hộ nghèo tham gia lao động ở nước ngoài nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Trong công tác giảm nghèo, quan trọng là có cái tâm, hướng tới đoàn kết, chăm lo thật sự sát sao cho dân thì chúng ta sẽ có những kết quả tốt nhất", ông Nam chia sẻ.


Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.