Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng: Nỗ lực để thay đổi đời sống đồng bào DTTS

Mạnh Cường - 22:42, 22/11/2020

Xác định thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, là nhiệm vụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chính sách vào thực tiễn, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Đường nông thôn được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 ở xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh
Đường nông thôn được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 ở xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh

Chia sẻ với phóng viên, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Kể từ sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II-năm 2014, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc. Là cơ quan tham mưu và quản lý về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã ghi dấu ấn trong việc triển khai tốt các chương trình, chính sách như Chương trình 135, Quyết định 755/QĐ/TTg, Quyết định 102/QĐ/TTg, Quyết định 2086... Từ đó, đã làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh; góp phần quan trọng tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 và các chính sách dân tộc khác, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng 1.170 công trình giao thông, hạ tầng… ở vùng khó khăn. Qua đó, toàn tỉnh đã có 18.938 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 42,53% (năm 2015) xuống còn 26,07% (cuối năm 2019). Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2019 đạt 30,7 triệu đồng/năm (tăng 11 triệu đồng so năm 2015).

Đơn cử, trong việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 - 2019, được sự tham mưu của Ban Dân tộc, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng 739 dự án hỗ trợ sản xuất, trong đó hỗ trợ 257.129 con gia súc, gia cầm các loại; 42.642 cây ăn quả; 38.472 kg giống lương thực; 2.933.779 kg phân bón; 7.180,6 kg thức ăn chăn nuôi; 10.633 máy móc nông nghiệp; 599 chuồng trại; 392.717 cây lâm nghiệp... với 108.262 lượt hộ tham gia. Triển khai nhân rộng 140 mô hình giảm nghèo bền vững với 4.575 lượt hộ tham gia và hưởng lợi từ các dự án...

Đồng bào Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc được hỗ trợ khung dệt, duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Đồng bào Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc được hỗ trợ khung dệt, duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Hay như năm 2020, dù ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19, nhưng bằng sự nỗ lực, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng vẫn quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Trong đó, có thể kể đến Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025. Từ việc thực hiện hiệu quả Quyết định này, hằng trăm hộ đồng bào dân tộc Lô Lô ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc đã được hỗ trợ sản xuất, trang cấp các thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Anh Hoàng Văn Hải, ở xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) cho biết, gia đình anh cùng một số hộ dân trong xóm được hỗ trợ cây sa mộc và cây hồi giống để trồng và chăm sóc theo Quyết định 2086. Đây là những loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu nhập ổn định nên đã mở ra cơ hội để mở rộng sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

“Rất mong tới đây Nhà nước có phương án hỗ trợ đầu ra, bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm canh tác”, anh Hải bày tỏ.

Còn chị Chi Thị Tuyết, ngụ xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc), một trong 50 hộ dân được học nghề dệt thổ cẩm truyền thống bộc bạch: “Năm 2019, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ dạy nghề dệt hoa văn trên khăn, áo. Qua đề xuất, chúng tôi được hỗ trợ sợi bông để dệt vải, duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tôi đang hy vọng, sản phẩm thổ cẩm vừa có thể sử dụng, vừa có thể bán được”.

Năm 2020, toàn tỉnh Cao Bằng có 536 hộ dân tộc Lô Lô được khảo sát và đưa vào danh mục hỗ trợ của Ban Dân tộc tỉnh. Từ nguồn vốn Trung ương cấp năm 2019 (23 tỷ đồng), Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là 3 xóm: Khau Cà, xã Hồng Trị; xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc) và xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm). Mỗi xóm được hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu, vì đây là những loại cây trồng hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

“Ban Dân tộc Cao Bằng cũng đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để triển khai hiệu quả Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 tới đây", Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng khẳng định.

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những thành tích trong thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2014 - 2019. Đồng thời là một trong hai tập thể của tỉnh Cao Bằng vinh dự được chọn cử đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.