Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Bắc Ninh: Hội thảo khoa học “Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính - Danh nhân khoa bảng thời Lê Trung Hưng”

Xuân Hải - 15:30, 30/08/2022

"Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính-Danh nhân khoa bảng thời Lê Trung Hưng" là đề tài Hội thảo khoa học vừa được Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh tổ chức vào ngày 30/8, tại Bắc Ninh. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học của Trung ương và địa phương.

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tặng hoa chúc mừng Hội thảo
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Ninh dự và chúc mừng Hội thảo

Theo lịch sử, Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1588-1647) sinh ra và lớn lên ở phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Xuân Chính đã tỏ rõ là người thông minh, nhất là được sự chỉ bảo của nhiều người thầy giỏi lúc đương thời. Qua 9 kỳ thi, với sự nỗ lực bền bỉ không ngừng, năm 50 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637), đời Lê Thần Tông. Ông chính là một trong 47 Trạng nguyên của cả nước ta, tính từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919.

Cuộc đời của ông trải qua nhiều chức quan dưới triều Lê-Trịnh, kiêm nhận phụ trách nhiều nơi. Dù ở cương vị nào, ông đều tỏ rõ là vị quan tài năng, thanh liêm, đức độ. Đặc biệt, ông có công lớn trong đào tạo nhân tài và ổn định giáo dục. Nhờ đó, ông được vua ban chức Tả thị lang Lại bộ, khi mất được triều đình ghi công, truy tặng Binh bộ Thượng thư.

Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung lý giải, chứng minh, làm rõ các nội dung: Con người Nguyễn Xuân Chính và những đóng góp của ông cho gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước; Gia đình, dòng họ, quê hương ảnh hưởng đến tính cách, cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính; Bối cảnh xã hội, chính sách xã hội tác động đến cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính; Vấn đề sưu tầm, khai thác, truyền bá những tác phẩm của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính; Giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ…

Một số bài tham luận cũng đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị, ý nghĩa di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính nói riêng, truyền thống hiếu học khoa bảng nói chung, nhằm góp phần xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.

Theo Phó Giáo sư Phạm Quốc Sử, Khoa Việt Nam học (Đại học Sư phạm Hà Nội) thì Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính là một hiện tượng độc đáo của lịch sử văn hóa Việt Nam. Ông đỗ tới Trạng Nguyên, học vị cao nhất của khoa cử phong kiến Việt Nam. Bên cạnh đó, ông đỗ Trạng Nguyên khi đã 50 tuổi, chứng tỏ ông càng già càng mẫn tiệp, trí tuệ vượt lên trên tầm của tất cả những trí thức Nho học trẻ tuổi hơn lúc bấy giờ.

Ngoài ra, thành tích khoa bảng mà ông gặt hái được vào thời kỳ mà nền khoa cử nhà Lê vừa mới chấn hưng được mấy chục năm, khi nền chính trị, xã hội, văn hóa đất nước đang chuyển biến mạnh mẽ cho thấy, ông là con người thực học và tiên tiến, rất cần cho sự nghiệp phục hưng toàn diện của nhà Lê. Ông còn để lại đến hôm nay nhiều văn bia, chứng tỏ sức lan tỏa văn hóa của ông rộng lớn, vượt qua giới hạn của không gian và thời gian.

Phó Giáo sư Phạm Quốc Sử khẳng định, Trạng Nguyên Nguyễn Xuân Chính sinh ra ở thời kỳ phát triển của lịch sử Việt Nam trung đại cả về kinh tế, văn hóa và xã hội nên ông được thừa hưởng, và hội tụ tất cả những tinh hoa của thời đại. Nền giáo dục lúc đó có nhiều tiêu cực, nhưng ở giai đoạn học hành và khoa cử của Nguyễn Xuân Chính, nền giáo dục ấy cũng có nhiều tiến bộ, có nhiều ưu việt so với nền giáo dục thời Mạc.

Hội thảo được tổ chức đã góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tin cùng chuyên mục
Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng bài trên mạng xã hội

Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng bài trên mạng xã hội

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024 quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng đối với: Dịch vụ, tài nguyên internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.