Nhiều lợi thế để phát triển
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Tiên Du luôn đạt mức cao (bình quân 3 năm 2019-2021 đạt 11,29%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 74,6 triệu đồng/năm bằng 1,39 bình quân trung cả nước. Đời sống người dân được cải thiện, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư với nhiều dự án đầu tư xây dựng mới nâng cấp và chỉnh trang. Hệ thống giao thông công cộng; trụ sở cơ quan hành chính; cơ sở y tế, văn hóa, trường học; hệ thống cấp điện, nước, viễn thông được triển khai xây dựng khá đồng bộ hướng tới đô thị văn minh, hiện đại.
Với lợi thế về giao thông liên kết vùng, huyện Tiên Du đang là trọng điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư công nghiệp của tỉnh với 3 khu công nghiệp: Tiên Sơn, Đại Đồng - Hoàn Sơn, một phần khu công nghệp VSIP với tổng diện tích đất công nghiệp khoảng 1.000ha, thu hút hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Tiên Du sẽ hướng tới phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm mang tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhất là công nghiệp hỗ trợ tạo ra giá trị gia tăng cao gắn với sự phát triển công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du cho biết, đô thị Tiên Du được xác định trên quy mô toàn bộ diện tích tự nhiên của toàn huyện 95,6 km2, dân số gần 196.000 người. Trong đó, khu vực nội thị gồm: Thị trấn Lim và 9 xã ( Nội Duệ, Liên Bão, Hoàn Sơn, Đại Đồng, Phật Tích, Phú Lâm, Lạc Vệ, Việt Đoàn, Tân Chi) với tổng diện tích 74,1 km2; vùng ngoại thị 4 xã gồm: Tri Phương, Cảnh Hưng, Minh Đạo, Hiên Vân với tổng diện tích 21,5 km2.
“Lộ trình đến năm 2025 định hướng phát triển thành thị xã gồm 10 xã, thị trấn nội thị (thị trấn Lim, xã Liên Bão, Đại Đồng, Phật Tích, Lạc Vệ, Nội Duệ, Hoàn Sơn, Tân Chi, Việt Đoàn, Phú Lâm) và 4 xã ngoại thị (Hiên Vân, Tri Phương, Minh Đạo, Cảnh Hưng). Đến năm 2030 định hướng phát triển đô thị bao gồm 14 xã, thị trấn là nội thị để đáp ứng tiêu chí trở thành quận khi tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Nguyễn Đại Đồng nhấn mạnh.
Những điểm nhấn nổi bật
Theo Đề án, huyện Tiên Du sẽ đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng để bảo đảm yêu cầu: Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; Trường THCS trọng điểm Tiên Du; Trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải huyện; công viên cây xanh hồ điều hòa Vân Tương với kinh phí khoảng 1.125 tỷ đồng.
Trong đó, nổi bật nhất chính là công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Trường THCS trọng điểm Tiên Du.
Việc xây dựng Đài tưởng niệm sẽ góp phần thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau. Theo quy hoạch, Đài tưởng niệm gồm các hạng mục: Phần đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ huyện Tiên Du; Sân nghi lễ, sân tập trung, đường dạo với tổng diện tích 4.000m2; Hồ bán nguyệt được xây lắp đặt đài phun nước; Xây mới nhà dịch vụ kết hợp với nhà vệ sinh công cộng và các hạng mục khác đồng bộ, hoàn chỉnh.
Còn Trường THCS trọng điểm Tiên Du được huyện Tiên Du thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng một trường THCS có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia mức độ 4 theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT; cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dậy học đồng bộ, hiện đại với quy mô đến năm 2020 là 20 nhóm lớp, đến năm 2025 là 24 nhóm lớp.
Các công trình trọng điểm trên xuất phát từ thực tiễn, được đề ra từ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của huyện Tiên Du. Công trình sau khi hoàn thành sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong và ngoài huyện mà còn tạo điểm nhấn đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển đô thị Tiên Du sau này.