Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trên đường phát triển

Bắc Ninh: Thành quả sau 25 năm tái lập tỉnh

Vân Khánh - 15:33, 21/03/2022

Sau 25 năm tái lập tỉnh (1997 – 2022), từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều chỉ tiêu kinh tế -xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Tại khu vực nông thôn của tỉnh, nhờ được tập trung đầu tư nên đã khoác lên mình diện mạo mới.

 Diện mạo mới của tỉnh Bắc Ninh sau 25 năm tái lập tỉnh.
Diện mạo mới của tỉnh Bắc Ninh sau 25 năm tái lập tỉnh.

Bứt phá mạnh mẽ

Cách đây 25 năm, ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức được tái lập theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa IX. Tại thời điểm tái lập, Bắc Ninh là một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (chiếm 45% GDP của tỉnh), cơ sở hạ tầng khó khăn. Đi qua một phần tư thế kỷ, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vượt lên trên tất cả, bằng tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn hệ thống chính trị với những bước đi đúng hướng trong phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Ninh đã tạo nên diện mạo mới với những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế và sức vươn trên con đường hội nhập, phát triển.

Tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 18/2 vừa qua, ông Ngô Văn Liên,Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh đã thông tin về những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh sau 25 năm tái lập. Đó là kinh tế liên tục tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 14%/năm trong giai đoạn 1997 - 2021 với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội dẫn đầu cả nước. Quy mô tổng sản phẩm (GRDP) từ mức hơn 2 nghìn tỷ đồng (năm 1997) tăng lên mức 133,6 nghìn tỷ đồng (giá so sánh) năm 2021 (gấp 23,8 lần), đứng thứ 13 cả nước.

Cùng với bước chuyển về quy mô, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế sau 25 năm tái lập tỉnh cũng mang nhiều dấu ấn. Từ một tỉnh nông nghiệp, gần như không có khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đến nay Bắc Ninh đã có 16 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp với hơn 7 nghìn ha (các khu, cụm công nghiệp giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động).

Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) đạt 1.504 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần năm 1997 và đứng thứ nhất cả nước. Hiện, Bắc Ninh đang có 1.717 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 21,24 tỷ USD của 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, với nhiều tập đoàn kinh tế lớn, như: Samsung, Canon, Pepsico, Amkor, ABB…

Năm 1997, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh mới đạt 20,4 triệu USD, chỉ bằng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đến năm 2021, tăng 45,2 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đứng thứ nhất toàn quốc. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân của người dân Bắc Ninh đã vươn lên gần 5,9 triệu đồng/người/tháng (tăng 24,7 lần so với năm 1997) và tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh theo tiêu chí mới giảm còn 1,15%.

Khởi sắc vùng nông thôn

Sau 25 năm tái lập tỉnh, một điều dễ nhận thấy nhất là những đổi thay rõ nét ở vùng nông thôn miền quê quan họ này. Sau 11 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển đô thị, các miền quê vùng Kinh Bắc đã khoác lên mình màu áo mới.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan tham quan mô hình đường hoa của phụ nữ Bắc Ninh ở thôn Đan Quế, xã Chính Trung, huyện Lương Tài - Ảnh TL)
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan tham quan mô hình đường hoa của phụ nữ Bắc Ninh ở thôn Đan Quế, xã Chính Trung, huyện Lương Tài - Ảnh TL)

Nếu như thời điểm tái lập tỉnh, thị xã Bắc Ninh được ví là thị xã “đèn dầu”, với vài tuyến phố cổ, thì nay đã là thành phố đô thị loại I năng động, sáng tạo và hiện đại, đang vươn mình mạnh mẽ để hội nhập và phát triển. Từ Sơn, quê hương của vương triều Lý nay đã là thành phố trẻ đang trên đà khởi sắc. Các huyện Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong, Tiên Du,… cũng đang hòa vào dòng chảy chung của sự phát triển để vươn mình trở thành thị xã trong tương lai.

Theo ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, hiện Bắc Ninh là một trong những địa phương nằm trong top đầu cả nước về triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) về tiến độ, hiệu quả và chất lượng. Đến đầu năm 2022, Bắc Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM, là 1 trong 14 tỉnh được công nhận tỉnh NTM.

Giai đoạn 1997 – 2021, tốc độ tăng bình quân của Bắc Ninh đạt 23,7%/năm. Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997. Bắc Ninh là tỉnh tự cân đối thu- chi ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu có 50% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); phấn đấu công nhận ít nhất 50 mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu; có 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao… 

Hiện, toàn tỉnh đã có 12 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, trong đó 6 xã đang làm hồ sơ thẩm định đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bắc Ninh phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2022 đạt khoảng 43%.

Những thành tựu trong xây dựng NTM đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo mới của vùng quê Kinh Bắc; là động lực để Bắc Ninh phấn đấu xây dựng tỉnh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại trong tương lai gần. 

Thành quả sau 25 năm tái lập tỉnh là nền tảng để Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.


Tin cùng chuyên mục
Cuộc sống mới ở Dự án ổn định dân di cư tự phát vùng Ea Lang

Cuộc sống mới ở Dự án ổn định dân di cư tự phát vùng Ea Lang

Sau hơn 15 năm triển khai Dự án ổn định dân di cư tự phát vùng Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, đồng bào các dân tộc phía Bắc được bố trí nơi ở, đất sản xuất. Đến nay, đời sống của đồng bào đã ổn định và từng ngày khởi sắc…