Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc người già tránh đổ bệnh trong ngày lạnh

PV - 20:05, 03/01/2021

Người cao tuổi cần có biết cách bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi, nhất là những ngày trời lạnh để phòng các bệnh hô hấp như: Viêm họng, viêm phổi, hen suyễn...

Người già cần được theo dõi sức khoẻ trong ngày lạnh. Ảnh: TTXVN
Người già cần được theo dõi sức khoẻ trong ngày lạnh. Ảnh: TTXVN

BS. Nguyễn Trường Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, Trưởng khoa Hô hấp Dị ứng cho biết: Với người cao tuổi, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất đều suy giảm hoạt động nên rất dễ bị bệnh khi thay đổi thời tiết, nhất là khi trời chuyển lạnh. Do đó, người cao tuổi cần có sự đề phòng, bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là những quãng thời gian giao mùa và những đợt gió mùa. Đối với những người già có bệnh sẵn trong người, khi thay đổi thời tiết thì tình trạng bệnh sẽ dễ tăng nặng hơn. Thậm chí những người không có bệnh hô hấp nhưng do sức đề kháng yếu thì cũng dễ mắc bệnh. Một số bệnh về đường hô hấp người già thường gặp phải khi trời lạnh như: Viêm họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính…

Theo BS. Nguyễn Trường Sơn, để phòng bệnh đường hô hấp, người già cần được chăm sóc và tự biết cách chăm sóc, theo dõi cơ thể kịp thời. Cụ thể:

- Người già cần mặc đủ ấm, ngủ ấm và tránh gió lùa vào phòng; hạn chế ra ngoài lúc sáng sớm khi trời chuyển lạnh, không nên ra đường quá sớm. Nếu muốn tập thể dục, người cao tuổi nên chờ đến khi nắng lên mới ra đường; nếu cần thiết có thể tập thể dục ở trong nhà.

- Hằng ngày cần vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý hoặc đánh răng trước và sau khi ngủ dậy. Nếu sử dụng răng giả cần vệ sinh sạch sẽ, không để bám dính thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cho đường hô hấp.

- Người già nên thường xuyên tập dưỡng sinh. Tuy nhiên nên tập khi thời tiết không quá lạnh, hoặc nơi thông thoáng nhưng phải giữ ấm cơ thể.

- Tránh tiếp xúc với bụi, khói thuốc lá, khói bếp than, khói hương… để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.

- Đặc biệt, người già thường hay quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc do trí nhớ kém. Vì vậy, người nhà cần chú ý và chuẩn bị và nhắc người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc.

- Người nhà cần theo dõi, đề phòng cơn hen suyễn của người già trở nặng, nhất là khi thay đổi thời tiết. Tránh để người già bị lạnh, ngồi điều hòa nhiều hoặc tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm dễ khiến các triệu chứng suyễn trở nên nặng hơn./.



Tin cùng chuyên mục