Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Những phận người cô đơn và rào cản pháp lý

Mạnh Cường - 10:58, 21/10/2020

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, có nhiều chính sách để chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, tại một số địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, vẫn còn những người già cô đơn, không nơi nương tựa, cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng lại chưa tiếp cận được với những chính sách nhân văn này, bởi những… rào cản pháp lý.

Đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn thăm hỏi người già cô đơn, không nơi nương tựa thôn Bản Chang, xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn thăm hỏi người già cô đơn, không nơi nương tựa thôn Bản Chang, xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn.

Mong có một nơi nương tựa

Chiều muộn một ngày trung tuần tháng 9/2020, chúng tôi theo chân Trưởng xóm Bản Quá và anh cán bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đến thăm nhà bà Đồng Thị Dình (dân tộc Tày), người xóm Bản Quá. Lội qua khu vườn ngập bùn đất mới vào được căn nhà nhỏ xiêu vẹo, vách gỗ nằm khép bên một góc vườn của bà Dình.

Do không hẹn trước nên chúng tôi phải đợi chừng 30 phút thì bà Dình đi làm về. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Dình chia sẻ: Căn nhà này do chị dâu bà Dình cho mượn, nhưng hiện cũng đang bị đòi lại. Gọi là nhà, nhưng bên trong căn nhà chẳng có gì đáng giá. Chỉ có 1 chiếc giường con kê trong góc, phía trong là 1 chiếc bếp nhỏ, là nơi bà Dình đun nấu mỗi khi ở nhà.

Trước kia, bà đã từng lấy chồng ở xã Cao Thượng, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Hai người không có con cái. Khi chồng mất năm 2019, bà bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà. Không nghề nghiệp, không biết tiếng phổ thông, cũng không biết đi đâu, về đâu, bà khăn gói về lại quê nhà (xóm Bản Quá, xã Nam Cường) tá túc nhờ anh em, họ hàng.

Khổ nỗi, họ hàng, con cháu cũng toàn người nghèo, nên sự giúp đỡ không được là bao. Cũng bởi không có con nên bà không có người chăm sóc, không có người thuộc diện có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng. Vì thế, dù trở về địa phương đã hơn 1 năm nay, nhưng bà vẫn chưa làm các thủ tục pháp lý để được hưởng trợ cấp xã hội. Hằng ngày, bà Dình đi ra trung tâm xã tìm việc làm qua ngày. Từ gặt lúa, gánh lúa, rửa bát… Ai thuê gì bà làm nấy.

Năm nay, bà Dình bước sang tuổi 66. Ở tuổi này nhiều người cao tuổi khác có nơi nương tựa, bà Dình vẫn ngày đêm “lẻ bóng” nơi vách núi. Nhiều đêm, bà không ngủ được, ứa nước mắt tủi thân. Anh Nguyễn Thanh Tùng là cháu ruột, nhưng bản thân cũng bị bệnh tật, không giúp bà được nhiều. Thỉnh thoảng, kiếm được mớ rau, con cá, anh mang sang biếu bà.

“Bây giờ tôi chỉ mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ hằng tháng, hoặc cho tôi được vào ở trong Trung tâm Bảo trợ xã hội để sống nốt quãng đời còn lại”, bà Dình mong ước.

Bà Dình với anh Tùng, cháu gọi bằng dì.
Bà Dình với anh Tùng, cháu gọi bằng dì.

Vướng về thủ tục pháp lý

Đem câu chuyện của bà Dình trao đổi với lãnh đạo xã Nam Cường, ông Hoàng Hữu Pao, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trách nhiệm và bổn phận của chúng tôi là phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt là những người cao tuổi. Tuy nhiên, trường hợp của bà Dình khá đặc biệt, không nằm trong diện được hỗ trợ vì chưa nhập hộ khẩu về địa phương, chưa có Giấy chứng nhận hộ nghèo. Vì vậy, không thể thực hiện hỗ trợ xã hội.

Qua khảo sát tại địa bàn huyện Chợ Đồn, chúng tôi được biết, ngoài bà Dình ở xã Nam Cường, còn có 2 trường hợp người cao tuổi khác không nơi nương tựa sống tại xóm Bản Cuôn, xã Ngọc Phái cuộc sống cũng rất khó khăn. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ xã Ngọc Phái, 2 trường hợp này không thuộc diện bảo trợ xã hội vì có con đi làm ăn xa. Nghĩa là vẫn thuộc diện còn có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng.

Ông Nguyễn Đức Nam, Phó Phòng LĐTB&XH huyện Chợ Đồn cho biết: Với những quy định chặt chẽ của Nghị định 136/2014/NĐ-CP về việc Trợ giúp xã hội, để được trợ cấp, bà Dình cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý, như làm thủ tục chuyển hộ khẩu, làm đơn chứng nhận hộ nghèo.

“Phòng Lao động sẽ tham mưu cho UBND huyện Chợ Đồn và Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn sớm xác minh, làm rõ và hỗ trợ bà Dình hoàn tất các thủ tục pháp lý để được hưởng trợ cấp xã hội. Trường hợp như bà Đồng Thị Dình không phải là cá biệt…”, ông Nguyễn Đức Nam thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.